Dị ứng thời tiết
Mùa xuân là mùa có nhiều phấn hoa phân tán trong không khí do vậy mọi người dễ mắc các bệnh dị ứng như nổi mề đay, mụn ngoài da, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc mắt.
Nổi mề đay: Xuất hiện các vùng đỏ, có cảm giác ngứa ngáy, nóng tại vùng đó. Nguyên nhân của bệnh là do cơ thể tiếp xúc với loại vật chất gây dị ứng nào đó cộng thêm thời tiết nóng lạnh thất thường.
Mẩn, mụn ngoài da: Vào mùa xuân, cơ thể dễ dị ứng với các tia tử ngoại hơn nên khiến các tế bào da dễ bị tổn thương, làm xuất hiện các nốt mẩn, mụn.
Viêm mũi dị ứng: Vào mùa xuân, không khí lạnh, ẩm ướt, mưa phùn… cùng rất nhiều loại phấn hoa phát tán trong không khí chính là thời điểm gây nhiều khó chịu cho người có cơ địa dị ứng. Khi vô tình hít phải, phấn hoa gây ngứa mũi, hắt xì hơi liên tục, chảy nước mũi, nghẹt mũi khó chịu.
Viêm kết mạc: Đây là một bệnh dị ứng ở mắt, thường gặp ở tuổi thành niên. Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân. Các triệu chứng thường gặp đỏ cả hai mắt, chảy nước mắt, ngứa mắt, sợ ánh sáng, đặc biệt bệnh thường xuyên tái phát vào mùa xuân. Khi bị bệnh, tránh dụi mắt, có thể nhỏ các thuốc rửa mắt, hoặc nước mắt nhân tạo.
Để phòng bệnh, cần cố gắng tránh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh như đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc khi làm việc trong môi trường ô nhiễm và giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng mặt, cổ; vệ sinh mũi thường xuyên; hạn chế đến các vườn hoa và nên tránh sử dụng các thức ăn hoặc thuốc đã từng gây dị ứng.
Bệnh đường hô hấp
Do thời tiết lạnh, ẩm nên mùa xuân cũng là mùa bùng phát mạnh các bệnh hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Bệnh hen phế quản: Đối với những người có cơ địa dị ứng, sau khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi, nấm mốc, côn trùng… sẽ bị co rút khí quản, tạo ra các cơn hen gây khó thở, mặt mũi tím tái, nếu nặng có thể gây suy hô hấp. Để phòng tránh các cơn hen khó chịu này, nên tránh các tác nhân gây dị ứng, sử dụng khẩu trang hoạt tính, bổ sung vitamin C và phải luôn mang theo bình xịt giãn khí quản.
Viêm phổi: Người bị viêm phổi thường có các triệu chứng như: sốt cao, ho, thở nhanh, khó thở… Khi xuất hiện các triệu chứng này, cần tới ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời bằng thuốc kháng sinh.
Bệnh viêm khí – phế quản cấp: Bệnh thường do các loại virus cúm gây ra. Triệu chứng của bệnh là hắt hơi, sổ mũi, ho, sốt, đau người, mệt mỏi, nặng có thể dẫn tới đau ngực khó thở. Để phòng tránh, cần phải giữ ấm cơ thể, ăn nhiều các loại hoa quả để nâng cao sức đề kháng của cơ thể, uống nhiều nước. Khi mắc bệnh, phải điều trị kịp thời, dùng thuốc đủ liều lượng theo sự hướng dẫn của thầy thuốc.
Bệnh đường tiêu hóa
Mùa xuân là mùa lễ hội đầu năm nên có nhiều người tập trung tại một địa điểm cũng như an toàn thực phẩm thường không đảm bảo vệ sinh nên dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa. Việc ăn chín uống sôi và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là rất cần thiết.
Bệnh thủy đậu là bệnh thường xuất hiện vào xuân. Gây ra bởi vi rút thủy đậu (Varicellavirus) thuộc họ Herpesviridae. Bệnh lây lan qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với nốt mụn nước của người bệnh và đồ dùng của họ. Triệu chứng nhận biết thường gặp là sốt nhẹ, phát ban. Ban đầu là nổi lên các nốt sần tròn nhỏ, tiến triển trong vòng từ 12-24 giờ thành mụn nước, bọng nước và mọc rải rác toàn thân. Sau đó, các nốt này khô đi trở thành vảy rồi khỏi sau 5 đến 7 ngày. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ em từ 2-10 tuổi hay gặp nhất. Cách phòng tránh tốt nhất là tiêm phòng thủy đậu và tránh tiếp xúc với người bị bệnh.
Sốt phát ban
Sốt phát ban do vi rút herpes 6 hoặc 7 gây ra là bệnh phổ biến ở trẻ, thường bùng phát vào mùa xuân. Bệnh dễ lây lan, chủ yếu lây qua đường hô hấp. Ban đầu bệnh có những biểu hiện sốt nhẹ kèm theo mệt mỏi, nhức đầu, đau họng, sổ mũi, sưng và đau khớp, đôi khi có đau mắt nhẹ. Sau đó, nổi hạch ở sau tai và gáy, xuất hiện các đốm ban màu hồng nổi sần trên da. Phát ban ở trẻ nhỏ có thể dẫn đến những biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não. Phòng ngừa sốt phát ban: Hiện nay vẫn chưa có giải pháp phòng ngừa sốt phát ban cho trẻ nhỏ và người lớn. Cách tốt nhất là bảo vệ cơ thể, tránh tiếp xúc với người đang có dấu hiệu bị sốt phát ban cũng như các chứng bệnh khác.
Viêm nhiễm bộ phận sinh dục
Mùa xuân mưa phùn, ẩm ướt khiến quần áo ẩm mốc, tạo điều kiện cho vi sinh vật và nấm mốc phát triển. Do vậy, phụ nữ dễ mắc các bệnh viêm nhiễm bộ phận sinh dục như: nhiễm nấm, nhiễm khuẩn gây ngứa ngáy, khó chịu. Để phòng ngừa bệnh, cần phơi khô quần áo để tránh nấm phát triển. Dùng dung dịch vệ sinh để làm sạch vùng kín hàng ngày.
Do vậy, để tăng cường sức khỏe và phòng tránh các dịch bệnh mùa xuân, mọi người dân cần thực hiện nghiêm túc vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh như: sử dụng nước sạch trong ăn uống, sinh hoạt, ăn chín, uống sôi, giữ gìn vệ sinh cá nhân; không làm nhiễm bẩn nguồn nước đặc biệt từ nước thải gia đình, nước thải công nghiệp, phân người, động vật… góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bản thân ./.