Được sự chỉ đạo của UBND, Phòng Giáo dục & Đào tạo, Trung tâm Y tế Quận Thanh Xuân về việc phòng chống dịch bệnh sởi cho trẻ tại trường Mầm non. Phòng chống dịch bệch sởi cho trẻ mầm non là công việc của toàn xã hội, nhưng mầm non không phải là cơ sở điều trị mà mục tiêu chính là phòng dịch bệnh sởi cho trẻ. Hiểu được ý nghĩa trên ban chỉ đạo trường mầm non Tuổi Thần Tiên đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh sởi như sau:
I. Mục tiêu: Phòng chống dịch bệnh sởi cho trẻ trong trường Mầm non.
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch lây truyền theo đường hô hấp, do virut sởi gây ra. Gần như là trẻ chưa có miễn dịch với sởi mà tiếp xúc với bệnh nhân sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Và trẻ bị nhiễm virut gần như 100% có biểu hiện bệnh lý. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng Sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Bệnh hay xảy ra vào mùa đông xuân, khi thời tiết ẩm kéo dài tạo thuận lợi cho việc bùng phát dịch sởi nhất là những trẻ chưa được tiêm vaccine sởi mũi 1.
Bệnh sởi nặng hoặc các biến chứng của sởi có thể gây ra do virut sởi hoặc do bội nhiễm sau sởi (thường xẩy ra ở trẻ suy dinh dưỡng, đặc biệt trẻ thiếu Vitamin A, trẻ bị suy giảm miễn dịch, hoặc các bệnh khác, phụ nữ có thai ). Hầu hết trẻ bị sởi tử vong do các biến chứng.
Tiêm vaccine sởi là biện pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất và khi tiêm cho miễn dịch bền vững và lâu dài. Tiêm mũi 1 đối với trẻ 9 tháng tuổi thì hiệu quả bảo vệ đạt được 85%. Khi tiêm mũi 2, hiệu quả bảo vệ tăng 95 – 99%. Tiêm mũi 2 không chỉ củng cố miễn dịch của người được tiêm mà còn giúp nâng tỷ lệ miễn dịch cộng đồng.
II. Biện pháp thực hiện:
1. Tuyên truyền chăm sóc vệ sinh cá nhân cho trẻ:
- Tuyên truyền tới các bậc phụ huynh cho trẻ tiêm phòng đầy đủ, CBGV trong ngành học mầm non và xã hội hiểu biết về tầm quan trọng của bệnh sởi và cách phòng chống bệnh sởi
- Các bài tuyên truyền phải bám sát nội dung phòng bệnh, tiến độ có hiệu quả.
- Tuyên truyền tranh ảnh, băng zôn, áp phích, loa đài dấu hiệu của bệnh sởi.
- Có các buổi tập huấn sinh hoạt nêu rõ các dấu hiệu của bệnh, để giáo viên cũng như phụ huynh biết được mức độ nguy hiểm của bệnh sởi.
- Theo dõi số lượng trẻ nghỉ học hàng ngày.
2. Tìm hiểu bệnh, điều trị và cách phòng ngừa:
* Triệu chứng của bệnh:
Bệnh biểu hiện với các triệu chứng lúc đầu chỉ sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn hoặc có rối loạn tiêu hóa. Sau đó bệnh nhân sốt cao 39 - 400C, có thể lên đến 410C, kèm theo nhức đầu, đau mỏi cơ khớp, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, nhiều dử mắt, tiêu chảy, khám họng có thể thấy những chấm trắng nhỏ nổi trong niêm mạc má màu đỏ, xung huyết. Tiếp đó là giai đoạn phát ban, trẻ vẫn sốt cao 400C, ban mọc theo trỡnh tự, bắt đầu ở vùng đầu, trán, sau tai sau đó lan xuống mặt, gáy, lưng, tay, chân ( kéo dài 3 - 4 ngày). Đặc điểm ban sần màu hoa đào, hơi nổi trên da, sờ có cảm giác mịn như nhung, có thể mọc rải rác hay dính liền với nhau thành từng đám tròn, giữa các ban là khoảng da lành, khi ấn lên các ban biến mất. Trong thời kỳ ban mọc, các triệu chứng này sẽ giảm dần khi ban bắt đầu bay, ban sởi sẽ bay theo thứ tự như khi mọc ( đầu, tay, chân), sau khi bay hết còn để lại vết thâm có tróc da mỏng, mịn kiểu bụi phấn hoặc vẩy cám. Những chỗ da thâm của ban lặn xen lẫn da lành tạo nên màu da loang lở gọi là dấu hiệu “Vằn da hổ”, lúc này trẻ hết sốt, ăn được sức khỏe hồi phục dần, nếu không có biến chứng.
* Điều trị:
Điều trị chăm sóc Sởi tại nhà bằng cách: Cho người bệnh nghỉ ngơi ở phòng thoáng, tránh gió lùa, ăn lỏng, nóng, ăn nhiều bữa trong ngày, đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước đặc biệt là nước hoa quả, vệ sinh răng miệng, mũi, họng, nhỏ mắt nhiều lần trong ngày bằng dung dịch Cloramphenicol 1%. Thay quần áo hàng ngày, khi nhiệt độ trên 38,5 độ thì hạ sốt bằng Paracethamol, liều lượng tùy theo tuổi. Thuốc giảm ho, long đờm, uống dung dịch oresol khi có đi ngoài phân lỏng. Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của y bác sỹ (bội nhiễm hoặc với trẻ dưới 2 tuổi, trẻ suy dinh dưỡng), theo dõi sát tình trạng người bệnh nếu có sốt cao (đặc biệt khi ban sởi bay rồi mà còn sốt chứng tỏ có bội nhiễm), li bì hoặc vật vã kích thích, ho nhiều, khó thở, ăn uống kém, tiêu chảy nhiều cần đưa ngay đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được xử trí kịp thời tránh biến chứng nặng nề.
* Phòng ngừa:
Để phòng bệnh không tiếp xúc với người bệnh, tiêm chủng đúng lịch và Tiêm vắc xin Sởi bổ sung cho trẻ em từ 1 đến 5 tuổi. Tiêm vắc xin sởi cho trẻ là cách phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất.
* Khi có dịch sởi cần thực hiện các biện pháp sau:
Báo cáo ngay những trường hợp mắc bệnh trong vòng 24 giờ cho cơ quan y tế địa phương.
Cách ly người bệnh ở phòng riêng. Không cho bệnh nhân tiếp xúc với những người chưa có miễn dịch. Trẻ em mắc bệnh không được đến trường học và người lớn không được đến các nơi làm việc trong vòng bảy ngày sau khi mắc; Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh; Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, đặc biệt sát khuẩn mũi, họng hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường bằng nước muối; Thực hiện vệ sinh môi trường sống, đảm bảo nhà cửa sạch sẽ và thông thoáng
Trên đây là kế hoạch phòng chống dịch bệnh sởi của trường mầm non Tuổi Thần Tiên, rất mong các ban ngành có liên quan giúp đỡ để công tác phòng chống dịch bệnh sởi đạt kết quả cao hơn trong năm học 2018 – 2019./.