1. Tại sao mùa hanh khô lại dễ mắc bệnh?
Mùa hanh khô có kiểu thời tiết đặc trưng là nắng hanh, độ ẩm thấp cùng với sự chênh lệch lớn về nhiệt độ giữa sáng - trưa - tối. Đây là kiểu thời tiết thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển và gây bệnh.
Thời tiết hanh khô thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển và gây bệnh (Ảnh minh họa).
Nhiệt độ trong ngày thay đổi thường xuyên làm hệ miễn dịch non yếu của trẻ bị suy giảm nên dễ mắc các bệnh hô hấp như viêm họng, viêm phổi, hen suyễn, viêm đường hô hấp trên.Thời tiết hanh khô cũng gây nên các bệnh về da đặc biệt là viêm da dị ứng, khô mắt, mũi, họng.
2. Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe của trẻ mùa khô hanh đúng cách
2.1 Giữ nhiệt độ cơ thể trẻ phù hợp với nhiệt độ thời tiết
Luôn giữ cho cơ thể trẻ đủ ấm. Vào sáng sớm hoặc chiều tối, khi nhiệt độ giảm xuống, nên giữ ấm cho trẻ với những chiếc áo nỉ, khoác mỏng, choàng thêm khăn bảo vệ cổ. Đến trưa, khi thời tiết ấm lên, có nắng, có thể cho trẻ mặc những bộ quần áo mỏng. Nên kiểm tra và lau khô mồ hôi nhất là sau khi trẻ chơi đùa. Việc làm này giúp đề phòng mồ hôi ngấm vào quần áo khiến trẻ có nguy cơ cao bị nhiễm lạnh. Khi đi ngủ nên đắp chăn đủ ấm, mang tất để tránh cơ thể trẻ bị lạnh.
2.2. Cho trẻ uống đủ nước hàng ngày
Việc uống nước lạnh sẽ khiến các tuyến tiết dịch bị suy giảm chức năng từ đó gây ra tình trạng khô rát cổ họng, dịch nhầy không được tiêu và gây vướng khiến tình trạng viêm họng của trẻ bị nặng thêm.
Hạn chế uống nước lạnh, nên uống nước ấm và uống đủ nước hàng ngày (Ảnh: Internet)
Do vậy mà vào mùa khô hanh nên cho trẻ uống đủ nước và uống nước ấm để bảo vệ hệ miễn dịch và men răng trẻ.
2.3. Nên tắm sớm và tắm bằng nước ấm
Nguyên tắc này không chỉ nên lưu ý để chăm sóc sức khỏe mùa khô hanh mà nên chú ý trong cả mùa lạnh.
Việc tắm muộn và tắm bằng nước lạnh làm tăng nguy cơ bị cảm lạnh. Cũng không nên dùng nước quá nóng bởi da cần độ ẩm và nhiệt độ cao trong nước sẽ lấy đi chất dầu tự nhiên làm tình trạng da trẻ trở nên khô ráp, bong tróc.
Do đó để bảo vệ sức khỏe của trẻ thì bạn nên cho trẻ tắm sớm và tắm bằng nước ấm. Phòng tắm nên kín gió, không nên có khe hở khiến gió lùa vào. Khi tắm xong nên lau thật khô người và mặc quần áo vào ngay.
2.4. Đeo khẩu trang khi ra ngoài, vệ sinh mắt mũi bằng nước muối sinh lí
Thời tiết hanh khô làm tăng nguy cơ ô nhiễm không khí. Đồng nghĩa với việc mũi của trẻ có thể phải chịu gánh nặng do hít phải nhiều bụi bẩn, vi khuẩn hơn. Đeo khẩu trang khi ra ngoài sẽ giúp hạn chế sự tấn công của vi khuẩn và bụi bẩn vào đường hô hấp.
Ngoài ra, vệ sinh mắt mũi bằng nước muối sinh lý ấm cho trẻ hàng ngày sẽ giúp loại bỏ các tác nhân độc hại này, làm ẩm mắt mũi của trẻ, tránh viêm mũi, viêm xoang.
2.5. Bổ sung các thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng
Có một sức đề kháng tốt sẽ giúp trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh chống lại sự xâm nhập của virut, vi khuẩn gây bệnh vào mùa khô hanh. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, với thời tiết hanh khô như hiện tại thì vitamin C và thực phẩm giàu kẽm, thực phẩm giàu omega-3 sẽ giúp củng cố hàng rào kháng khuẩn của cơ thể.
Bổ sung các loại trái cây và rau củ giàu vitamin giúp tăng cường sức đề kháng (Ảnh: Internet)
2.6. Bù ẩm không khí, giữ không khí trong nhà sạch sẽ
Bạn nên sử dụng các thiết bị tạo ẩm chuyên dụng hoặc đặt một chậu nước trong phòng để thay thế. Việc bù ẩm cho không khí là bắt buộc đối với những gia đình có thói quen sử dụng điều hòa 2 chiều hoặc máy sưởi.
Ngoài ra, cần chú ý tới việc vệ sinh sạch sẽ không gian nhà ở, trồng thêm cây xanh để tránh ô nhiễm không khí trong nhà, có thể gây ra các bệnh hô hấp hay dị ứng.