Từ 2 đến 6 tuổi là thời điểm trẻ nắm bắt phát âm giống người lớn. Nếu ba mẹ thấy con bị ngọng, hãy thử kiểm tra xem con bị nói ngọng sinh lý hay nói ngọng mang tính xã hội. Với nói ngọng sinh lý, hãy để ý vòm họng xem con có bị tật ở vùng hầu họng như tật chẻ vòm hay không, hay con có bị ngắn lưỡi, đầy lưỡi hay không. Ba mẹ có thể đưa con đến khám ở các cơ sở y tế chuyên ngành âm ngữ trị liệu. Theo độ tuổi, các em có thể phát âm đúng các phụ âm:
- 2 tuổi: b, m, d, n, h, g, c
- 3-4 tuổi: ch, t, đ, v, ph, nh, ng, x
- 5-6 tuổi: kh, s, th, r, tr
Cách dạy trẻ hết nói ngọng thông qua chuyên viên Âm ngữ trị liệu
Các chuyên viên sẽ đánh giá lời nói khi trẻ phát âm, cũng như chọn lựa phương pháp phù hợp, hiệu quả với từng trẻ và theo từng độ tuổi, tùy từng rối loạn cụ thể. Ví dụ con sẽ được hướng dẫn cách đặt lưỡi, tạo hơi ra sao để tạo ra âm đúng, được kiểm tra khả năng nghe và phân biệt âm vị chính xác hay chưa. Thông thường, con sẽ được tập nói đúng từng từ, cụm từ nhỏ với 2 – 3 từ, sau đó tăng dần lên thành nói đúng 1 câu, rồi mới nói đúng một đoạn nói chuyện với người khác.
Phân tách những người tiếp xúc với trẻ
Nếu con không bị nói ngọng sinh lý, hầu hết các trẻ sẽ bị nói ngọng do yếu tố môi trường xã hội bên ngoài, như con bắt chước ai đó nói ngọng. Ba mẹ hãy để ý xem nhưng người xung quanh con có ai phát âm không chuẩn để con hạn chế tiếp xúc với người đó. Nếu trẻ bị nói ngọng do cô giáo ở lớp thì ba mẹ cũng nên mạnh dạn chuyển lớp, nếu trẻ nói ngọng do bạn bè hàng xóm thì hãy tách con khỏi những người bạn đó. Chỉ một thời gian khi trẻ được tiếp xúc với môi trường phát âm chuẩn sẽ nói chuẩn trở lại. Đây là cách dạy trẻ hết nói ngọng được nhiều ba mẹ tin dùng.
Cách dạy trẻ hết nói ngọng là cùng con luyện tập trong thời gian ngắn nhưng đều đặn
Việc chỉnh phát âm cần phải làm thường xuyên mỗi ngày để trẻ “mưa dầm thấm lâu”. Khi con được nghe chuẩn trong thời gian dài, đều đặn, ắt con sẽ phát âm chuẩn. Ba mẹ nên bắt đầu bằng những bài tập ngắn, vì nếu con phải thực hành quá dài sẽ gây áp lực, thậm chí con sẽ hơi “xoắn lưỡi” vì phải thực hành nhiều. Ba mẹ chỉ nên luyện trong 2 đến 3 phút nhưng mỗi ngày tập nhiều lần để mang lại hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, ba mẹ không nên nổi nóng khi con nói sai, vì sẽ gây ức chế và chán nản, khiến con thêm tự ti, cản trở việc luyện tập và giao tiếp của trẻ.
Cho bé luyện cơ miệng thường xuyên
Hãy tập hợp và phân loại chữ cái, từ mà con đang phát âm sai để chia thành các buổi học cho con, không nên lẫn lộn. Có thể cho bé luyện tập cơ miệng vào buổi sáng như mở rộng khẩu hình và nói “A, O, TR…” trong khoảng 5 – 7 lần.
Ba mẹ có thể tổ chức các trò chơi, hoạt động để tăng hứng thú cho con như đố vui tìm đồ vật rồi gọi tên đồ vật… Khi rèn nói ngọng ba mẹ hãy nói chậm, nhưng to rõ ràng, rành mạch, tạo môi trường vui vẻ để con tiếp thu điều ba mẹ truyền đạt tới con. Con vừa chơi vừa học sẽ khiến bé thoải mái, không nhận ra con bị mắc lỗi nói ngọng và đang phải sửa lỗi.
Loại bỏ những thói quen xấu gây ra nói ngọng
Có một số thói quen xấu làm ảnh hưởng phần lưỡi hay miệng, làm con bị nói ngọng như mút tay, hay cho tay vào miệng hay ngoáy mũi… Vậy nên khi bố mẹ thấy con có những động tác này hãy mau chóng đánh trống lảng bằng cách để con chú ý vào việc khác, khiến trẻ quên mất việc mình đang mút tay, dần dần con sẽ không còn có thói quen này. Hay ba mẹ cũng có thể trực tiếp nhắc con rằng mút tay xấu lắm, con không nên làm, bằng thái độ không cần quá nghiêm khắc.
Không nhại, chê con khi bé nói ngọng
Nhiều bố mẹ cho rằng việc trẻ nói ngọng trong lúc tập nói là điều rất dễ thương, nên bắt chước từ nói ngọng của trẻ. Điều này vô tình là bố mẹ đang cổ súy cho thói quen xấu của con, khiến con nghĩ việc mình nói ngọng khiến bố mẹ vui và tiếp tục phát huy. Tuy nhiên ngược lại, việc chọc quê hoặc bêu xấu lỗi nói ngọng của con với người khác cũng chỉ khiến bé mất tự tin, xấu hổ và không muốn giao tiếp. Những điều này ba mẹ nên tránh để con có môi trường luyện nói tốt nhất nhé.
Nếu ba mẹ không tự tin khả năng phát âm của mình có thể cùng con học tập qua các ứng dụng Giáo dục sớm, với phát âm qua audio chuẩn từ các phát thanh viên, người bản xứ, để con được tiếp xúc với phát âm chuẩn chỉnh ngay từ khi còn nhỏ.