“Nếu bé tức giận hoặc không có được thứ mình muốn, bé sẽ ăn vạ.”
Có lẽ đây là một trong những vấn đề thường gặp nhất và gây khó chịu nhất đối với các bậc làm cha mẹ. Bố mẹ hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng bé ăn vạ và các cách để làm dịu cơn thịnh nộ của bé!
TẠI SAO ĐIỀU NÀY LẠI XẢY RA?
Ăn vạ là cách để trẻ xả sự tức giận. Ăn vạ thường bắt đầu khi trẻ khoảng 18 tháng tuổi, độ tuổi mà trẻ bắt đầu hoạt động và nói nhiều hơn. Khi ăn vạ, trẻ có thể
đấm đá, gào thét, lăn lộn hoặc đập phá cái gì đó.
BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?
Để tránh những cơn ăn vạ, bạn nên:
• Cố gắng tìm hiểu tại sao bé lại ăn vạ. Ví dụ, bé có vẻ ăn vạ khi mệt mỏi, khi đói hoặc thậm chí khi rất phấn khích.
• Tuân thủ theo giờ giấc sinh hoạt thông lệ hàng ngày. Hãy đảm bảo giờ giấc ăn uống, nghỉ ngơi và chơi của bé được diễn ra theo thông lệ hàng ngày
• Giải quyết những vấn đề khiến bé cảm thấy bực bội. Ví dụ, khi bé thử làm một việc gì mới, hãy hỏi bé xem bé có cần giúp đỡ không
• Hãy cho bé thật nhiều thời gian để chơi vận động
• Giúp bé diễn tả cảm xúc của mình. Điều này giúp bé cảm thấy được thấu hiểu và đỡ bực bội hơn. “Mẹ thấy là con đang tức giận. Mẹ không thể biết là con muốn gì khi con cứ gào lên như thế. Nếu con có thể nói cho mẹ biết con muốn gì, mẹ có thể sẽ làm được điều gì đó cho con.”
• Nếu bạn thấy có dấu hiệu của cơn ăn vạ, hãy đổi hoạt động và làm gì đó bình tĩnh hơn. Hãy cố ngăn chặn cơn ăn vạ trước khi nó bắt đầu
KHI BÉ ĐANG TRONG CƠN ĂN VẠ:
• Hãy giữ bình tĩnh. Nói với bé bằng giọng nhẹ nhàng và trấn an. Tuyệt đối tránh việc to tiếng với bé hoặc phạt đòn roi để ép bé nín. Các hành động bạo lực chỉ khiến bé cảm thấy bất an hơn, làm tổn thương bé. Khi đó bé dừng lại chỉ vì bé đang quá sợ chứ không phải biết kiểm soát cảm xúc của mình.
• Giữ cho bé an toàn. Đừng để bé tự làm đau mình hoặc làm đau người khác. Giữ yên lặng cho đến khi bé bình tĩnh lại.
• Không nhượng bộ cho bé điều bé muốn hoặc không cố giải thích với bé khi bé đang trong cơn ăn vạ.
• Hãy để cơn ăn vạ tự lắng xuống. Sau khi qua cơn ăn vạ, hãy cho bé thời gian để bình tĩnh lại. Giúp bé gọi tên cảm xúc của mình. Thể hiện cho bé biết là bạn sẵn sàng giúp đỡ bé. Ôm bé và nói một vài từ trấn an bé.
SAU CƠN ĂN VẠ:
• Nói chuyện thủ thỉ cùng bé, cùng gọi tên cảm xúc của bé khi đó.
• Cùng tìm ra nguyên nhân tại sao bé lại thấy khó chịu như vậy và thương lượng về cách giải quyết. Ví dụ: Nếu con chịu đi ngủ đúng giờ đủ các ngày trong tuần thì con sẽ được tặng đủ sticker mặt cười và cuối tuần mình sẽ đi công viên chơi.
• Yêu thương bé và thể hiện cho bé thấy rằng bạn sẽ luôn bên cạnh bé và không vì những cơn ăn vạ của bé mà bạn tức giận.