Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Nhi khoa và Sức khỏe trẻ em Hoàng gia đánh giá trên 47 đứa trẻ khỏe mạnh (27 bé gái, 20 bé trai) từ 3 đến 5 tuổi.
Những trẻ này được làm các bài kiểm tra tiêu chuẩn và thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu MRI não.
Kết quả, trẻ dành nhiều thời gian cho thiết bị điện tử như tivi, điện thoại hay ipad có nguy cơ bị rối loạn ngôn ngữ và giọng nói. Thậm chí, tốc độ xử lý tình huống của bộ não ở chúng cũng chậm hơn so với các trẻ khác.
Tiến sĩ, bác sĩ John Hutton, tác giả chính cho biết, nghiên cứu chứng minh trẻ sử dụng nhiều thiết bị điện tử có mối liên hệ giữa não và các tế bào thần kinh kém.
Không chỉ vậy, thói quen này cũng làm suy yếu các tổ chức não và sự hình thành myelin - lớp vỏ bảo vệ các dây thần kinh cho phép xung động có phản ứng nhanh chóng.
“Tuy nghiên cứu cần phải chứng minh thêm một số vấn đề nhưng đây cũng là cảnh báo về thực trạng sử dụng quá nhiều các thiết bị điện tử ở trẻ em hiện nay. Do vậy, chúng ta, đặc biệt là các phụ huynh cần phải có sự thay đổi để hạn chế những tác hại ở trẻ em”, bác sĩ John nói.
Một nghiên cứu khác tại Mỹ năm 2018 cũng cho thấy, trẻ em trong khoảng từ 8 đến 11 tuổi dành nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử có chức năng nhận thức kém hơn 5% so với những trẻ khác.
Khuyến cáo của các nhà khoa học Mỹ đưa ra:
- Trẻ dưới 18 tháng tuổi: Tránh sử dụng tất cả các thiết bị điện tử có chứa video.
- Trẻ 18 – 24 tháng tuổi: Sử dụng thiết bị có màn hình điện tử nên có cha mẹ, người lớn kiểm soát. Nên dùng các thiết bị chất lượng cao.
- Trẻ 2 – 5 tuổi: Giới hạn sử dụng các thiết bị điện tử dưới 1 giờ/ngày với các sản phẩm có màn hình chất lượng cao để tránh hại sức khoẻ.
- Lưu ý: Tăng cường các hoạt động thể thao, ngoài trời và giờ nghỉ ngơi để cân bằng thể trạng cho trẻ.