Kỹ năng tự chăm sóc bản thân được hiểu thế nào?
Đây là kỹ năng thể hiện qua khả năng tự chăm lo, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống của mình từ sức khỏe, tinh thần và thể chất. Hiểu biết và quản lý bản thân tốt sẽ giúp trẻ kiểm soát những cảm xúc tiêu cực, không hành xử một cách thiếu chuẩn mực, cũng như luôn hướng đến những việc làm để trở nên khỏe mạnh, hoàn thiện hơn mỗi ngày.
Lý do nên dạy bé mầm non kỹ năng tự chăm sóc bản thân
Hướng dẫn để trẻ những kỹ năng tự chăm sóc bản thân từ sớm sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển về tinh thần, nâng cao thể chất và cả trí tuệ não bộ của trẻ. Có được kỹ năng này cũng đồng nghĩa với việc các bé đang rèn luyện cho mình tính độc lập, tránh phụ thuộc quá nhiều vào người khác, tinh thần trách nhiệm, tự giác cao trọng mọi hành động và từng lời nói của bản thân.
Từ đó, trẻ sẽ bắt đầu hành trình tìm hiểu chính mình, có sở thích gì, những thế mạnh tiềm ẩn nào và có định hướng phát triển phù hợp với cá tính của mình. Giáo dục kỹ năng sống cơ bản còn tạo cho con nền tảng vững chắc để hòa nhập tốt hơn trong tương lai.
Trau dồi kỹ năng tự chăm sóc, không chỉ là cách tốt nhất giúp bé có thể chăm sóc tốt cho bản thân mình mà nó dạy cho bé biết quan tâm tới mọi người xung quanh hơn, đặc biệt là các thành viên trong gia đình.
Các kỹ năng tự chăm sóc bản thân mà bố mẹ dạy bé ở nhà
Kỹ năng tự chăm sóc các bộ phận trên cơ thể
Trẻ khi bước vào tầm tuổi lên 2 đã có thể dùng tay tự cầm nắm đồ vật linh hoạt và thực hiện một số hoạt động chăm sóc, vệ sinh cá nhân đơn giản như đánh răng, rửa mặt, làm sạch tay chân, chải tóc, tự cầm thìa xúc ăn, và lớn thêm một chút (5, 6 tuổi) thậm chí bé còn phụ ba mẹ dọn dẹp phòng, nhà cửa,…Nếu ba mẹ trong quá trình hướng dẫn bé vừa giải thích cho bé hiểu tầm quan trọng của những việc này và làm gương để trẻ noi theo, thì chắc chắn các con sẽ làm thật tốt. Có như vậy, trẻ mới có thể bảo vệ sức khỏe bản thân, đẩy lùi các nguy cơ mắc bệnh phổ biến như tay chân miệng, cảm cúm, sâu răng, viêm nhiễm đường hô hấp, gia tăng sức đề kháng và sống tự lập hơn tránh dựa dẫm vào người lớn.
Kỹ năng quản lý và vệ sinh các loại đồ dùng cá nhân
Ngoài dạy trẻ kỹ năng chăm sóc bản thân thì bên cạnh đó, ba mẹ cũng đừng quên chỉ các con yêu làm thế nào để bảo vệ và quản lý những vật dụng cá nhân của mình. Bắt đầu từ những thói quen sắp xếp sách vở, áo quần, đồ chơi gọn gàng, ngăn nắp, đặt đúng vị trí, tránh làm thất lạc hay hư hỏng để lúc cần đến sẽ không phải mất nhiều thời gian tìm kiếm.
Lưu ý là phụ huynh nên dạy con kỹ năng này bằng cách kết hợp giữa dùng lời nói với hành động đi kèm, qua đó bé sẽ noi gương làm theo và nhanh chóng tiếp thu.
Kỹ năng cư xử và cách giao tiếp với người lớn
Trẻ trong giai đoạn mầm non thường chưa biết cách kiểm soát những cảm xúc tiêu cực của mình, dễ thấy nhất là khi đói hay đau đớn và lúc đòi hỏi thứ gì đó nhưng không được đáp ứng thì bé gào khóc, đôi khi còn kèm theo hành động cũng như lời nói thiếu chuẩn mực.
Do đó, giáo dục kỹ năng ứng xử và giao tiếp cho trẻ mầm non nên được ba mẹ ưu tiên hàng đầu. Thói quen giao tiếp lịch sự, hòa nhã và thân thiện với mọi người xung quanh sẽ giúp trẻ phát triển về cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ hình thể, cũng như hình thành phản xạ nhanh nhạy trong mọi tình huống.
Ba mẹ có con trong độ tuổi này, cần nắm các nguyên tắc cơ bản khi dạy trẻ kỹ năng cư xử là trước tiên hãy lễ phép với người lớn, luôn mở lời chào hỏi, dạ thưa khi nói chuyện, biết nói cảm ơn nếu được nhận gì đó và xin lỗi khi làm sai, trả lời bằng “câu có đầu có đuôi”, không bao giờ được nói trống không, thiếu sự tôn trọng trong giao tiếp kể cả với người nhỏ hơn hoặc bằng tuổi.
Kỹ năng chọn lựa, sống độc lập
Trẻ sống tự lập, hạn chế phụ thuộc hay nhận quá nhiều sự hỗ trợ từ người lớn sẽ không tốt trong việc phát triển toàn diện sau này, dần bé sẽ ỷ lại và không tự mình thực hiện được bất cứ điều gì.
Cho nên, ba mẹ muốn tốt cho con hãy dạy bé nhà mình cách sống tự lập ngay từ nhỏ, không nên làm sẵn mà thay vào đó chỉ hướng dẫn để trẻ tự quyết định và lựa chọn cách giải quyết vấn đề trong khuôn khổ cho phép nhất định.
Nhằm giúp bé sẵn sàng ứng biến trước những thay đổi trong tương lai, những tình huống xảy ra bất ngờ. Đơn giản, bạn có thể để bé làm các việc lặt vặt trong nhà phù hợp với từng độ tuổi như gấp quần áo, tự chọn trang phục muốn mặc, chọn giữa những món ăn đã chuẩn bị sẵn, tự tìm tòi khám phá về thế giới xung quanh, được quyền lựa chọn môn thể thao yêu thích, hay cách thức tiếp nhận kiến thức/ thông tin,…
Với kỹ năng này, trẻ nhỏ có thể tự vượt qua khó khăn dễ dàng cũng như biết cách quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ nhiều hơn với mọi người.
Kỹ năng xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh
Rèn luyện những thói quen sinh hoạt khoa học, lành lạnh cho trẻ là điều hết sức cần thiết để giúp các bé luôn khỏe mạnh và thông minh hơn. Ba mẹ nên xây dựng cho con một thời gian biểu ăn, ngủ, nghỉ và học tập chi tiết. Đồng thời, đừng bỏ qua việc dạy các con yêu sinh hoạt tích cực như phải rửa tay thật kỹ bằng xà phòng trước và sau khi ăn, ăn nhiều rau xanh củ quả, uống đủ lượng nước mỗi ngày, không tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử (tivi, điện thoại thông minh, laptop, máy chơi game,…) thường xuyên đọc sách, vận động thể dục thể thao,…
Khi các con gặp phải vấn đề sức khỏe, bị bệnh như cảm cúm, đau bụng, đau đầu, mẩn ngứa, hay té ngã,… Những lúc này, người lớn cần giải thích cho trẻ hiểu để bé không phát sinh tâm lý lo sợ, tiêu cực cũng như hiểu rõ về nguyên nhân dẫn đến các loại bệnh này và đồng hành cùng bé vượt qua nhẹ nhàng.
Dạy bé kỹ năng sống tự chăm sóc bản thân trong giai đoạn đầu đời chính là việc mà các ba mẹ nên làm. Hiểu được tầm quan trọng của những kỹ năng trên, Mầm non DCA luôn mong muốn chia sẽ thật nhiều điều bổ ích giúp quý phụ huynh giáo dục con trẻ được hiệu quả hơn. Hãy là một người ba, người mẹ thông thái và nhạy bén để lựa chọn phương pháp áp dụng nuôi dạy khoa học, phù hợp nhất với các thiên thần bé bỏng.