Một số điều cần lưu ý để phòng chống tai nạn đuối nước
Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không; nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi hoặc đi tàu thuyền; không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước; chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát.
Đối với trẻ nhỏ, khi đi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm công việc khác như đọc sách, sử dụng điện thoại…; phải mặc áo phao khi bơi; không cho trẻ nhai kẹo cao su khi bơi; nhà có trẻ nhỏ, tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như ở vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên dùng nắp che đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
Nhà có hồ bơi phải rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không tự ý mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào. Tại các sông, ao, hồ, kênh nước… phải đặt biển cảnh báo nguy hiểm.
Về phía gia đình, cha mẹ phải thường xuyên giám sát, chủ động nhắc nhở, dạy bảo, răn đe con em về hành vi tắm mát, bơi lội tại các ao, hồ, sông, suối; trang bị cho trẻ được biết về các nguy cơ có thể xảy ra khi đến gần những nơi có mặt nước hở để nâng cao tính cảnh giác…
Khi gặp trường hợp nạn nhân bị đuối nước, nếu không biết bơi cần phải tìm khúc gỗ, phao… ném xuống cho họ bám vào để lên bờ hoặc chạy tìm người biết bơi đến cứu. Tuyệt đối không nhảy xuống nước nếu không biết bơi. Vì nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, kể cả người cứu nạn.
Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở.