Cũng trong giai đoạn này mà những trận “ăn vạ”, “hành động bạo lực”, “nói không” đã dần xuất hiện ngày một nhiều hơn. Gọi nôm na thì đây là giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 2” ở trẻ.
Khủng hoảng tuổi lên 2 (terrible two) là giai đoạn phát triển mà trẻ sẽ trải qua sự thay đổi nhanh chóng về mặt tâm lý; khi đó trẻ sẽ mong muốn được tự lập hơn.
Các biểu hiện rõ nhất của trẻ đang trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2, 3 đó là DỄ NỔI CÁU; LA HÉT, GÀO KHÓC; THAY ĐỔI TÂM TRẠNG mỗi khi không hài lòng.
Vậy điều gì đang thực sự xảy ra ở giai đoạn này?
Trẻ từ 18m đến 3 tuổi trí não của con phát triển rất vượt trội. Ngày hôm nay con sẽ học và làm được nhiều hơn hôm qua; cứ như thế ngày qua ngày. Với sự tiến bộ đó mà trẻ đã bắt đầu muốn tự lập nhiều hơn. Thành thử con sẽ thường xuyên nói không hoặc làm ngược lại yêu cầu của cha mẹ.
Tất nhiên điều đó là tốt; nhưng không có nghĩa là con đã lớn, đã có thể tự phân tích và xử lý tình huống. Chính vì sự mâu thuẫn giữa mong muốn và khả năng của mình, nên con dễ nổi cáu, la hét, tỏ ra bạo lực mỗi lần như thế.
Vậy thì có ảnh hưởng gì không?
Đây là giai đoạn tương đối khó khăn đối với trẻ, con đang trải qua sự lệch pha giữa suy nghĩ và khả năng của cơ thể. Tuy nhiên cũng không phải cha mẹ nào cũng hiểu, cũng kiên nhẫn và có nhiều thời gian để bên cạnh con trong giai đoạn này.
Đây cũng là lúc mà mối quan hệ giữa cha mẹ và các bé thường xuyên rơi vào căng thẳng.
Nhiều người có chia sẻ và kể cho Trinh nghe về cách anh chị ấy đối phó với trẻ trong giai đoạn này ví dụ như:
- Trẻ ăn vạ ở chỗ đông người: Mẹ bế con ra ngoài, cho con khóc, khóc đến chán thì nghỉ. Có mẹ thì chọn “đánh nó nó mới nghe lời”.
- Trẻ ăn vạ bằng cách la hét: Dẫn con vào phòng riêng, chốt cửa cho con hét đến mệt thì nghỉ.
- Trẻ có hành động bạo lực: Cười hề hề trước hành động ném đồ của con vì cha mẹ, ông bà thấy vui. Thậm chí còn khuyến khích bé đánh người này người kia (đánh nè, đánh nó đi con).
- Khi con không muốn ăn, con lắc đầu nói: không, không!. Oke! Con không ăn, tùy con, con sẽ bị đói, con phải chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình.
Dĩ nhiên đây cũng là cách. Nhưng liệu những cách này có thực sự giúp ích hoặc cải thiện sự kết nối giữa cha mẹ và bé không?
Từ phía Trinh, Trinh có vài điều mong cha mẹ hiểu là: Việc một đứa trẻ tỏ ra chống đối, nói không, muốn tự lập,...Điều đó chứng tỏ rằng, sự phát triển về não bộ của trẻ đang diễn ra rất tốt. Bên cạnh đó, đây là giai đoạn mà trẻ đang trải qua sự mâu thuẫn giữa mong muốn và khả năng của mình.
Thế nên, nếu cha mẹ chọn trừng phạt, phớt lờ con trong giai đoạn này; rất có thể sẽ khiến trẻ cáu hơn, cũng như dần trở nên phòng thủ và không muốn bộc lộ cảm xúc với cha mẹ nữa.
Những gợi ý dành cho cha mẹ:
- Nghiêm khắc nhưng không áp đặt. Ví dụ: “Con không thích đội nón, mặc dù mẹ nghĩ nó sẽ giúp con tránh nắng. Nhưng mẹ sẽ không ép con, khi nào con thấy nắng nóng thì con tự đi lấy nón của mình.”
- Không nhất thiết phải theo ý khi con ăn vạ. Ví dụ: “Con đòi hỏi cho bằng được món con thích ở nơi đông người. Trong trường hợp này, mẹ có thể phớt lờ con và đợi đến khi trẻ bình tĩnh và thôi la hét.”
- Chỉ thưởng khi con thật sự xứng đáng. Ví dụ: “Con đã ăn đủ cữ, nghe lời mẹ khi ở chỗ đông người như quán cà phê. Lúc này cha mẹ hãy thưởng cho con một món đồ chơi hoặc một điều mà con thích làm cùng cha mẹ.
- Chê, khen đúng lúc. Ví dụ: “Mẹ khen con ngoan, con giỏi mỗi khi con nghe lời cha mẹ” Bời vì lời khen có tác dụng rất tích cực đối với trẻ nhỏ. Nó giúp củng cố giá trị và sự tự tin của trẻ. Bố mẹ có thể đọc bài này viết về khen chê con.
- Tạo điều kiện cho con đưa ra ý kiến cá nhân. Ví dụ: “Con có muốn đem theo nón hay để nón ở nhà?”. Con thích đi dép hay giày khi đi bộ trong công viên chiều nay,...” Mặc dù còn nhỏ, nhưng con vẫn muốn có được sự lựa chọn để thể hiện cá tính của bản thân ở giai đoạn này.
- Vỗ về khi con tức giận. Ví dụ: “Con đột ngột giận dữ vì không thể làm được điều mình muốn. Đây là lúc mà mẹ cần ôm con, vỗ về, động viên cho con cảm thấy được kết nối, được nhận sự yêu thương từ cha mẹ..Cha mẹ nhớ là, tức giận không xấu. Tức giận là một loại cảm xúc mà có thể kìm nén hoặc không. Nhưng sau khi cảm xúc đã vơi bớt, thì đó là lúc cha mẹ hãy hỗ trợ con nói ra điều mà con muốn thật sự là gì.
Chốt lại vấn đề:
Khi trải qua khủng hoảng tuổi lên 2, 3 cùng con, mẹ cần nhắc nhở bản thân rằng trẻ đang trong giai đoạn phát triển bình thường. Bé không cố tình chống đối lại mẹ; bé chỉ cố gắng thể hiện sự độc lập khi chưa phát triển đầy đủ các kỹ năng giao tiếp.
Khi trẻ đột ngột thay đổi như những dấu hiệu ở trên, thì mẹ cần biết rằng đây là giai đoạn bình thường và hoàn toàn tự nhiên ở trẻ. Bé không có ý muốn chống đối hay thách thức cha mẹ; mà bé chỉ đang cố thể hiện sự độc lập của chính mình.