Dạy trẻ phòng tránh điện giật cần thiết đến mức nào?
Có rất nhiều lý do để bố mẹ nhận diện được việc dạy con trẻ sử dụng an toàn điện là một kỹ năng thiết yếu của trẻ:
- Điện đã trở thành một phần không thể thiếu, luôn hiện hữu xung quanh cuộc sống của con trẻ. Nó xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ ngôi nhà của chúng ta đến các khu mua sắm, nhà hàng, trường học. Tuy nhiên, nếu con trẻ không được hướng dẫn sử dụng đúng cách, điện cũng có thể gây ra các nguy hiểm và rủi ro cho trẻ.
- Thứ hai, bố mẹ không thể lúc nào cũng ở bên cạnh giám sát trẻ 24/24, chỉ cần lơ là vài phút đã có thể xảy ra sự số. Vì vậy ba mẹ trang bị kỹ năng này cho trẻ cũng là để trẻ tự bảo vệ bản thân mình.
- Trẻ con luôn có tính hiếu động và tò mò với mọi thứ xung quanh. Ở độ tuổi chưa có nhận thức rõ ràng, con trẻ thấy thứ gì cũng là đồ chơi của chúng. Cho nên ba mẹ cần giáo dục con kỹ năng sử dụng an toàn điện từ khi chúng còn nhỏ.
Trong quá trình dạy trẻ kỹ năng sống an toàn khi sử dụng điện, thay vì ba mẹ cấm con không được lại gần, không được sờ vào thì ba mẹ hãy hướng dẫn con trẻ cách sử dụng an toàn khi các con đủ nhận thức. Điều này còn nâng cao kỹ năng cho trẻ trong tương lai, giúp bảo vệ trẻ trong mọi tình huống.
Bố mẹ có thể dạy kỹ năng sống an toàn khi sử dụng điện ở nhà cho trẻ như thế nào?
Cho trẻ hiểu sự nguy hiểm từ điện
Việc giúp trẻ hiểu sự nguy hiểm từ điện là rất quan trọng để bảo đảm an toàn cho trẻ khi ở gần các thiết bị điện. Đầu tiên ba mẹ hãy giải thích cho trẻ biết rằng điện là một nguồn năng lượng mạnh mẽ và có thể gây ra rất nhiều tai họa nếu con không sử dụng đúng cách; ba mẹ có thể dạy cho con những kiến thức cơ bản về điện như:
- Điện có thể gây ra các triệu chứng như giật, sốc điện, rối loạn nhịp tim, thậm chí là tử vong.
- Dây điện, đầu cắm điện và các thiết bị điện đều nguy hiểm như nhau
- Cháy nổ có thể xảy ra khi một thiết bị điện bị chập hoặc bị hỏng, dẫn đến sự phát nổ và gây cháy nổ.
- Nước là nguồn dẫn điện rất nhanh, không được sử dụng đồ điện khi tay hoặc cơ thể đang ướt.
- Không được tự ý cắm điện, cầm dây điện khi không có bố mẹ bên cạnh
Không thò tay, dị vật vào ổ cắm điện
Việc con trẻ em thò tay hoặc đưa các vật dụng khác vào ổ cắm điện là điều cực kỳ nguy hiểm. Ba mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu về điện và những nguy hiểm mà nó có thể gây ra. Hãy sử dụng những từ ngữ đơn giản và dễ hiểu để giải thích cho con trẻ. Ngoài ra ba mẹ có thể sử dụng các hình ảnh biển báo cấm, video nói về hành động nguy hiểm này cho trẻ xem tác hại của chúng. Để đảm bảo an toàn cho con trẻ, ba mẹ thực sự cần khắt khe, nghiêm chỉnh trong quá trình dạy trẻ.
Không đùa nghịch, chơi ở nơi có ổ cắm, dây điện
Ba mẹ nhắc nhở con trẻ không được đùa nghịch, chơi ở nơi có ổ cắm, dây điện; đặc biệt là phòng bếp. Giải thích cho trẻ hiểu khi trẻ chơi ở nơi có nhiều dây điện dễ bị vấp ngã, không may trẻ làm đổ nước vào ổ điện sẽ gây ra chập điện, cháy nổ bị điện giật. Ba mẹ hãy sưu tầm những video nói về các tình huống đã xảy ra tương tự cho trẻ em. Để trẻ nhận thức và hiểu được độ nguy hiểm của việc này.
Không nên tự ý cắm, rút phích cắm các thiết bị điện
Đối với những trẻ ở lứa tuổi bắt đầu có nhận thức tốt hơn, ba mẹ có thể bắt đầu dạy con những kỹ năng an toàn khi sử dụng điện với cách rút và cắm các thiết bị điện trong nhà một cách an toàn. Việc học cách tự bảo vệ bản thân mình chính là phương pháp an toàn nhất cho một đứa trẻ đang phát triển. Còn đối với trẻ nhỏ chưa có đủ nhận thức, tốt nhất ba mẹ nên để con tránh xa các khu vực này, giám sát con kỹ hơn hoặc cấm con không được chạm vào các loại phích cắm, ổ cắm điện.
Không để nước gần các đồ điện, ổ cắm
Nhiều gia đình thường có thói quen lắp đặt các ổ điện trong nhà vệ sinh, đặt các máy sấy tóc, sạc điện thoại… trên kệ hay lavabo để tiện sử dụng khi cần. Điều này có thể khiến trẻ tò mò hoặc tự ý sử dụng mà bật các thiết bị đó lên. Có thể dẫn đến các nguy cơ bị điện giật, chập điện, cháy nổ. Điều quan trọng tiếp theo ba mẹ cần dạy trẻ là không được dùng tay ướt chạm vào các thiết bị điện. Không được cầm cốc nước lại gần thiết bị điện, ổ cắm; không may các con làm đổ nước vào có thể xảy ra trường hợp xấu.
Không tự ý di dời các thiết bị điện trong nhà khi chưa có sự yêu cầu từ bố mẹ
Việc trẻ tự ý chạm vào và di chuyển các thiết bị điện trong nhà rất nguy hiểm bởi sự thiếu hiểu biết về cách sử dụng cũng như các nguy cơ rò rỉ điện nếu có. Đối với trẻ chưa có nhận thức rõ ràng, ba mẹ nên dành thời gian quan sát con kỹ càng hơn. Còn đối với trẻ đã bắt đầu có nhận thức, trẻ có thể được phép sử dụng, di chuyển các đồ điện khi đã biết cách sử dụng, tuy nhiên ba mẹ hãy nhắc nhở con thường xuyên. Điều này rất quan trọng và cần giáo dục trong một thời gian dài để thành thói quen, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại từ các bậc cha mẹ.
Phát hiện điện cháy, có mùi khét cần báo người lớn ngay
Ba mẹ nên nói cho con hiểu, khi phát hiện điện cháy, có mùi khét cần nhanh chóng báo người lớn ngay. Bởi vì trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý sự cố chập điện, cháy nổ ổ điện. Điều đầu tiên con trẻ cần làm là rời khỏi khu vực cháy chập đồng thời hét to gọi người lớn. Nếu ở nhà cao tầng hoặc khu chung cư thì trẻ cần hô hoán báo động, kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người, cùng lúc đó là di chuyển thật nhanh tới các khu vực thoát hiểm.
Giáo dục trẻ qua phim ảnh, phim tài liệu
Giáo dục trẻ em về kỹ năng sử dụng điện an toàn thông qua phim ảnh và phim tài liệu là một cách hiệu quả để giúp trẻ em nắm bắt các nguy hiểm liên quan đến điện và học cách sử dụng điện an toàn. Phương pháp này giúp trẻ hiểu rõ về cách sử dụng các thiết bị điện, cách giữ an toàn khi tiếp xúc với điện và cách phòng ngừa các tai nạn điện. Con trẻ được học qua phim ảnh sẽ dễ hiểu hơn, giúp trẻ em học tập một cách thú vị và hứng thú.
Bên cạnh đó, ba mẹ có thể sử dụng các bộ phim này như một công cụ để giảng dạy và truyền đạt các kỹ năng sử dụng điện an toàn cho các con. Bằng cách kết hợp các hoạt động thực tế, giáo dục trẻ về an toàn điện sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.