Nên dạy con làm việc nhà từ lúc mấy tuổi?
Bố mẹ có thể dạy con làm việc nhà từ lúc mấy tuổi? Từ 2 tuổi, con đã hiểu và nhận thức được những lời ba mẹ nói nên bạn hoàn toàn có thể bắt đầu dạy con từ những việc đơn giản nhất như thu dọn đồ chơi, vứt rác đúng nơi quy định, tự đánh răng, đi vệ sinh, bày khăn giấy… Bố mẹ nên tập cho con làm việc nhà ngay từ thời điểm này, vì con đang cảm thấy thú vị với việc giúp đỡ và dễ đón nhận bài học hơn.
Trong những năm đầu đời, giá trị của việc dạy con làm việc nhà không phải là giúp bố mẹ hoàn thành công việc, mà chính là tạo thói quen giúp đỡ và tinh thần trách nhiệm cho con. Đối với trẻ từ 2 - 4 tuổi, làm việc nhà giống như một trò chơi mới mẻ. Con rất thích được nhờ giúp đỡ, được công nhận và khen ngợi, vì vậy bố mẹ nên “khai thác” điều đặc biệt này bằng cách dạy trẻ những công việc nhà đơn giản, dễ dàng. Khi con lớn hơn, hãy hướng dẫn con thực hiện những nhiệm vụ phức tạp hơn và bắt đầu tự lập.
Bố mẹ không nên để con làm việc nhà quá khó, cũng không nên giao những việc nhà nguy hiểm liên quan đến dao sắc, đồ dễ vỡ… Con sẽ nản lòng và sợ hãi, không muốn tiếp tục làm nó lần thứ hai.
7 lợi ích khi dạy con làm việc nhà ngay từ sớm
Nhiều bố mẹ muốn để con tận hưởng tối đa thời gian vui chơi khi chúng vẫn còn nhỏ. Nhưng 7 lợi ích khi dạy con làm việc nhà ngay từ sớm dưới đây sẽ khiến bố mẹ thay đổi suy nghĩ!
-
Việc nhà giúp con học kỹ năng sống: Bố mẹ nên nhớ, con sẽ không bé bỏng mãi, chúng sẽ lớn lên, sẽ phải đối mặt với thế giới “người trưởng thành”. Và tự lập, làm các công việc cơ bản như dọn phòng, nấu ăn, lập ngân sách chi tiêu… là một số kỹ năng cần phải có. Đây cũng là những kỹ năng cần thiết nhưng trường học chưa thể giúp con trang bị đầy đủ.
-
Nâng cao tinh thần trách nghiệm, tính tự lập: Thói quen làm việc nhà giúp con học thêm về tinh thần trách nhiệm và tính tự lập. Những công việc cá nhân ảnh hưởng đến con bạn hạn như vệ sinh cá nhân, dọn dẹp phòng, giặt quần áo… có thể giúp con trở nên tự chủ và tự tin hơn.
-
Công việc nhà dạy con cách làm việc nhóm: Các thành viên đều có trách nhiệm với gia đình và với thành viên khác thông qua công việc chung. Con sẽ học được cách hỗ trợ, liên kết và những hậu quả xảy ra khi các thành viên không đáp ứng được kỳ vọng của nhau. Qua đó, giúp trẻ biết cảm thông, đặt mình vào vị trí của người khác và những lỗi lầm sẽ dễ được tha thứ hơn.
-
Củng cố sự tôn trọng: Con thường không hiểu hết nỗi vất vả của ba mẹ. Và thông qua những công việc nhà, có thể giúp con hiểu được điều này nhanh hơn một chút. Con sẽ có thể nhận thức rõ hơn về những rắc rối hay mớ hỗn độn chúng gây nên sau khi chơi đồ chơi, hoặc sự vất vả của ông bà cha mẹ nếu chúng được giao nhiệm vụ dọn dẹp nhà… Qua đó, con biết tôn trọng, giúp đỡ người khác và thêm yêu quý lao động.
-
Xây dựng một tinh thần làm việc vững vàng: Tại sao bạn không truyền cho con một tinh thần làm việc vững vàng và “đạo đức làm việc” ngay từ khi còn nhỏ? Một “phần thưởng” nho nhỏ như phụ cấp, đồ ăn vặt hoặc thời gian xem TV… cũng là gợi ý hay ho để ba mẹ khơi dậy tinh thần kinh doanh hay truyền cảm hứng lao động để con có một “nền tảng” mạnh mẽ!
-
Cải thiện kỹ năng lập kế hoạch và quản lý thời gian: Đưa tất cả công việc vào một cuốn nhật ký dễ thương và sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên là một gợi ý thú vị! Làm việc nhà một cách khoa học sẽ giúp con xây dựng thói quen tốt, biết cách sắp xếp thời gian học bài, vui chơi và giúp đỡ bố mẹ. Đây là một trong những kỹ năng quan trọng của bất kỳ ai.
-
Giúp gia đình thêm gắn kết: Hầu hết bố mẹ thường than thở rằng công việc nhà “ngốn” quá nhiều thời gian mà họ có thể dành cho con. Vậy tại sao bạn không biến chúng thành những khoảnh khắc đặc biệt để kết nối giữa bố mẹ cùng con? Thực tế là những đứa trẻ luôn muốn giúp đỡ người lớn vì chúng cảm thấy mình quan trọng và có ích.