CHIẾN LƯỢC NUÔI DẠY CON TÍCH CỰC KHI TRẺ NÓI “KHÔNG”, ba mẹ đọc ngay bài viết này nhé
Có lẽ nhiều ba mẹ trăn trở rằng vì sao nhiều khi con không chịu hợp tác với mình. Ví dụ như sắp đến giờ đi ngủ, bạn nhẹ nhàng nhắc nhở con: “Con ơi, đến giờ đánh răng rồi!” với thái độ hết sức vui vẻ nhưng con bạn liền hét lên “KHÔNG” và sau đó chạy đi.
Điều này phổ biến ở trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo. Con có thể nói KHÔNG với bất cứ điều gì xung quanh với tiếng la hét ầm ĩ, thì thầm hay là một cái lắc đầu mạnh mẽ. Và hành động này dễ dàng gây phiền toái cho ba mẹ.
Nuôi dạy một đứa trẻ không hợp tác hay đang trong giai đoạn khủng hoảng, ương bướng rất khó khăn, đòi hỏi kiên nhẫn của ba mẹ, thậm chí là các phương pháp kỷ luật.
TẠI SAO TRẺ EM NÓI “KHÔNG”?
Nói "Không" là bình thường
Max Colby ba tuổi không thích mặc quần áo sau mỗi lần tắm. Mẹ của cậu bé rất muốn biết lý do tại sao, nhưng Max hoàn toàn không thể giải thích được cho những hành động phản kháng của cậu ấy. Tất cả những gì mà Max làm là la hét, giãy đạp, và lột tung quần áo ra khỏi người. Những hành động tương tự như của bé Max có lẽ cũng thật giống với em bé của bạn.
Một nghiên cứu gần đây về Phát triển trẻ em cho thấy trẻ 2 và 3 tuổi tranh cãi với ba mẹ 20 đến 25 lần mỗi giờ! Có thể chỉ nhìn vào những con số này thôi bạn cũng đã thấy mệt mỏi rồi, nhưng John Sargent, MD, bác sĩ tâm lý trẻ em và giáo sư khoa tâm thần học, khoa học hành vi tại Đại học Y Baylor, Houston, nói: "Trẻ em ở tuổi này đang nhận ra rằng chúng có thể tự khẳng định mình và tranh luận với bạn là một cách để chúng có được sự tự tin".
Hãy nhớ rằng: Thế giới vẫn là một nơi rộng lớn, bí ẩn với những năm tháng đầu đời của trẻ. Nói “Không” là một cách bình thường, lành mạnh để trẻ phản kháng lại sự kiểm soát của người lớn.
Tuy nhiên, những xung đột xảy ra liên tục thì chắc chắn không vui vẻ gì. Đưa ra lời cảnh cáo, nghiêm khắc, ép buộc con phải làm theo, hay đe dọa khiến trẻ sợ hãi lâu dài sẽ khiến trẻ cảm thấy bất lực, tức giận và thậm chí còn bất chấp hơn.
Ba mẹ có thể áp dụng những chiến lược tích cực sau để khiến con nói “Có” nhiều hơn nhé!
Kiểm tra từ vựng của ba mẹ
Bao nhiêu lần một ngày ba mẹ nói từ “Không”? Điều này có thể phản ánh về việc sử dụng của con. Tất nhiên, không có nghĩa là ba mẹ sẽ không từ chối con hay nói những câu nghĩa phủ định mà thay vào đó hãy cân nhắc sử dụng những cụm từ khác có ý nghĩa tương tự.
Chẳng hạn, ba mẹ có thể thay từ “Không!” bằng “Con có thể...không?” hoặc “Con vui lòng…”. Khi bắt phải làm điều gì đó mà chúng ta không muốn hoặc không có quyền chắc hẳn cũng rất khó chịu. Vì vậy, thay vì ra lệnh, hãy yêu cầu nhẹ nhàng những điều ba mẹ muốn bằng những cụm từ tích cực.
Hạn chế đưa ra những đề xuất để trẻ dễ dàng trả lời “Có” hoặc “Không”
Thay vì nói với con: “Đã đến giờ đi ngủ rồi, con có muốn đi ngủ không?”, ba mẹ hãy hỏi con những gì con muốn được làm trước khi đi ngủ (Có thể là mặc bộ đồ ngủ yêu thích, đọc 1 cuốn sách, đánh răng…). Khi đến lúc dọn dẹp đồ chơi ba mẹ có thể làm một cuộc thi xem ai nhặt xong trước, không khí càng hào hứng thì trẻ sẽ làm càng nhanh và thích thú.
Bằng cách đưa ra sự lựa chọn, tình huống được thể hiện theo hướng tích cực và con có nhiều khả năng hợp tác hơn là ra lệnh. Chỉ cần chắc chắn rằng những lựa chọn ba mẹ đưa ra là chấp nhận được, khả thi dù con chọn bất cứ cái nào.
Đề xuất sự trợ giúp của trẻ
Thông thường, một đứa trẻ nói không bởi vì chúng không muốn thực hiện theo đề xuất hoặc sự sai bảo của ba mẹ. Với những công việc hàng ngày trong gia đình như dọn dẹp đồ chơi, phòng ngủ, bàn ăn...thay vì ba mẹ bắt con phải thực hiện, ba mẹ có thể đề xuất con giúp đỡ. Ví dụ: “Mẹ sẽ rất vui nếu như con có thể trợ giúp mẹ việc nhà đấy. Con có thể giúp mẹ vứt rác vào đúng chỗ không?”
Cố gắng tránh những trận chiến
Nếu trẻ từ chối, phản kháng bất cứ điều gì ba mẹ nói, thì ba mẹ dễ dàng trở nên căng thẳng. Hãy xem xét lại một tình huống trước đây của ba mẹ và con khi con không đồng ý hợp tác, cả ba mẹ lẫn con rơi vào một trận chiến đầy nước mắt, nếu mình thay bằng việc xử lý nhẹ nhàng, bình tĩnh sẽ có kết quả như thế nào? Có lẽ, ba mẹ cũng đã nhiều lần nghĩ rằng, giá như lúc ấy mình kiên nhẫn hơn một chút thì sẽ không làm tổn thương con đến vậy. Một điều chắc chắn rằng, khi mọi việc càng rối tung và căng thẳng thì các tình huống sẽ khó giải quyết hơn rất nhiều.
Cố gắng không nói, “Không dọn đồ chơi thì không đi chơi nữa”, hãy nói: “Ngay sau khi con dọn xong đồ chơi thì chúng ta sẽ ra ngoài chơi nhé!”
Thể hiện sự cảm thông
Khi đối diện với một căn phòng đầy đồ đạc mà mình yêu thích, hay đang xem dở một bộ phim kịch tính thì rõ ràng ba mẹ cũng sẽ không muốn thoát ra. Hãy giữ suy nghĩ này và nhìn vào các tình huống của bọn trẻ. Bằng cách đó, ba mẹ có thể hiểu tại sao trẻ có thiên hướng phản kháng lại những gì bạn nói.
Nói với con rằng ba mẹ hiểu cảm giác của trẻ và đưa ra lý luận một cách vui vẻ rằng: “Nhiều đồ chơi như thế này, nếu là mẹ thì mẹ cũng không thích dọn vào đâu. Nhưng mẹ muốn giới thiệu cho con cuốn sách có chú cảnh sát bắt trộm siêu giỏi, con có muốn xem chú ấy làm thế nào không?. Vậy trước khi đi xem chú ấy bắt trộm thì mình hãy dọn đồ chơi vào trước đã nhé!”
Đừng luôn luôn đưa ra quyết định
Đưa ra sự lựa chọn cho trẻ là một trong những cách giúp trẻ thỏa mãn nhu cầu kiểm soát của mình. Nếu trẻ đang muốn chơi mà chưa chịu ngồi vào bàn ăn, ba mẹ có thể hỏi trẻ liệu con thích một ly sữa hay một ly nước ép táo vào bữa ăn của mình. “Khi ba mẹ cho phép con đưa ra quyết định, trẻ sẽ cảm thấy tự hào và sẽ có nhiều khả năng nói “Có” với những yêu cầu của ba mẹ trong tương lai”, Tiến sĩ Cranor tại Đại học Bắc Carolina ở Greensboro cho biết
Khuyến khích bắt chước
Trẻ em thường rất thích bắt chước theo người lớn, vì vậy hãy tận dụng điều này để khuyến khích trẻ hợp tác với mình hơn. Ví dụ, nếu con không chịu đi tất, ba mẹ hãy nói: “Ôi, chân mẹ cũng đang rất lạnh. Mẹ sẽ đi một đôi tất ấm. Mẹ sẽ chọn đôi tất màu cam mà mẹ thích. Chân con cũng đang lạnh đó, con thích đi tất màu xanh hay cam giống mẹ nhỉ?”.
Khen ngợi khi con chịu hợp tác
Khi trẻ hợp tác với bạn, ba mẹ hãy khen ngợi và khuyến khích trẻ ngay lúc đó. Điều này giúp trẻ biết điều gì là nên làm và sẽ có nhiều động lực để tiếp tục thực hiện những hành vi tốt ấy. Ví dụ như, trẻ chịu dọn đồ chơi, hãy nói: “Con dọn dẹp thật sạch sẽ, mẹ rất vui. Đồ chơi không vương vãi ra sàn sẽ giúp con không bị ngã vì va vào chúng đấy!”.
Phản hồi tích cực còn được gọi là ‘lời khen mang tính mô tả”. ba mẹ hãy thử đưa ra những nhận xét tích cực (khen ngợi và khuyến khích trẻ) thay cho những phản hồi tiêu cực (chỉ trích và trách mắng trẻ) và so sánh xem kết quả như thế nào nhé!