Ngay từ những hình ảnh đầu tiên đã bộc lộ những mâu thuẫn giữa ba mẹ con. Cún vừa đánh đàn piano vừa khóc nức nở. Còn cô con gái 21 tuổi đi dạy đàn trong sự cấm cản của mẹ. Mẹ Trang thì cau có nạt nộ: "Đánh đàn chứ có làm gì đâu mà khóc", "Bảo ở nhà nghỉ ngơi thì không nghe...". Đây có lẽ là những câu chuyện hết sức bình thường, diễn ra hàng ngày không chỉ ở gia đình chị Trang mà ở nhiều gia đình khác nữa. Và hầu như cha mẹ sẽ tặc lưỡi cho qua bởi nghĩ đây không phải là một vấn đề quan trọng. Thế nhưng chính những câu chuyện nhỏ nhặt đó, mỗi ngày, đã làm cho mâu thuẫn giữa mẹ và hai người con ngày càng trở nặng nề hơn, mối quan hệ có thể ngày càng rạn nứt.
Sau khi tham gia những buổi học với các chuyên gia, chị Trang hiểu ra được vấn đề: "Tôi đã kỳ vọng quá lớn vào con. Tôi mong muốn con hoàn hảo. Và giờ tôi hiểu rằng con mình là đứa trẻ bị tổn thương quá nhiều. Càng tổn thương thì chúng không hoàn hảo, khó bảo, thậm chí bất cần".
Nhiều khán giả xem hành trình thay đổi của mẹ Trang có lẽ sẽ cảm thấy đâu đó hình ảnh của gia đình mình.
Gọi con đi tắm như gọi đò mà con chẳng nghe lời, cho con học đàn để thư giãn mà con khóc lóc... Ba mẹ nói gì là con cãi ngay, bất kể lời nói đó đúng hay sai… Làm sao để con ngoan và nghe lời cha mẹ luôn là câu hỏi khiến các bậc phụ huynh đau đầu.
Nuôi dạy con cái không chỉ là về việc tạo ra một thế hệ thành công mà còn là tạo ra một thế hệ hạnh phúc. Cần phải có sự cân bằng giữa việc đặt kỳ vọng và việc lắng nghe, hiểu biết nhu cầu thực sự của trẻ. Giáo sư Peck cho rằng bậc làm phụ huynh "cần phải chứng minh sự thay đổi của mình bằng cả trái tim - nơi cảm xúc trú ngụ". Hãy là cha mẹ hiểu biết, không chỉ dẫn dắt con trên con đường thành công mà còn là người bạn đồng hành trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc.
Những giọt nước mắt rơi, những vòng tay ôm siết chặt..., cuối cùng mối quan hệ giữa ba mẹ con nhà Nhím và Cún đã được hóa giải phần nào trong tinh thần thông cảm và chia sẻ.