1. Nín ngay
Khi bạn đang khóc, ai đó ra lệnh cho bạn nín, bạn có thể nín được không? Chắc chắn là không. Vậy tại sao bạn lại yêu cầu con phải nín? Mà cho dù con nín khóc thì nỗi ấm ức, vấn đề cũng chưa được giải quyết cơ mà.
Vậy khi con đang khóc, thay vì hét lên câu “Nín ngay” bạn có thể thử những câu sau:
“Con đang buồn/ sợ/ thất vọng… à? Con có muốn mẹ ôm một cái không?”
“Mẹ có thể làm gì giúp con đỡ buồn/ sợ/ thất vọng không?”
“Khóc là cách giúp mình đỡ buồn/ sợ/ thất vọng… đấy! Con cứ khóc bao giờ bình tĩnh lại thì mẹ con mình nói chuyện nhé!”
2. Nhanh lên
Thực ra thì câu này chẳng có tác dụng gì với các bạn nhỏ cả, bố mẹ càng giục nhanh lên thì chỉ khiến bố mẹ càng thêm sốt ruột khi con chẳng làm theo lời mình gì cả, sao vẫn giữ nguyên vận tốc hiện tại. Kết quả là bố mẹ phát điên.
Vì thế, thay vì để tình huống phải giục nhanh lên thì 1 là hãy làm hộ con nếu bạn thật sự cần đi nhanh. Hai là hãy chuẩn bị từ trước cho bé đủ thời gian để làm.
3. Con thật là hư/hỗn/béo/xấu...
Có một nguyên tắc trong kỉ luật là “Chỉ chỉ trích hành động, không chỉ trích con người” Khi bạn chỉ trích con người, bé sẽ thấy mình hư thật, xấu thật, chả có gì để cải thiện cả. Nhưng khi bạn chỉ trích hành động, bé hiểu là mình tốt, chỉ có hành động xấu thôi và mình có thể cải thiện bằng cách không làm hành động đó nữa.
Vì thế, thay vì chỉ trích con thật là….hãy thay bằng các câu chỉ trích hành động, ví dụ:“Đánh bạn là một hành động xấu”
4. Con làm Mẹ xấu hổ/phát điên...
Nuôi dạy con bằng cách khích tướng, chỉ trích, làm nhục có thể hiệu quả, tạo ra những đứa trẻ thành công, nhưng không tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc.
Khi bạn đang bực mình/ tức giận bạn hoàn toàn có thể nói:
“Mẹ đang rất bực mình/ buồn/ không vui.. khi con đánh bạn/ không xếp gọn đồ chơi”
Bạn có thể nói lên cảm xúc của mình, chỉ trích hành động của bé nhưng đừng đổ tội cho trẻ với những từ nặng nề.
5. Lớn rồi mà vẫn sợ/khóc nhè/đái dầm...
Ơ, thế lớn rồi là không được khóc, sợ thế thì cảm xúc sẽ ở đâu? Tại sao chúng ta cứ phải phủ nhận cảm xúc của trẻ trong khi cảm xúc là cái vô hại, cách thể hiện cảm xúc (la hét, đập phá..) mới có thể có hại. Và khi bạn khích tướng thế thì cũng ko làm bé trở nên can đảm/ người lớn hơn được đâu mà chỉ gồng mình lên để chứng tỏ là người lớn thôi, bên trong vẫn chênh vênh lắm.
Hãy công nhận cảm xúc của con vì dù lớn thế nào, con người ta vẫn cần cảm xúc và vẫn có thể mắc lỗi. Quan trọng là sau đó xử lí thế nào. Vì thế, hãy nói: “Con đang sợ à? Thi thoảng mẹ cũng sợ chúng lắm.”
6. Ai dạy/con học cái kiểu ấy ở đâu đấy?
Khi nói câu này bố mẹ chính thức nhận mình thua, lép vế trong việc nuôi dạy con so với những người khác có thể có ảnh hưởng đến con. Câu nói này thể hiện sự bất lực.
Thay vì nói câu đó, hãy nói: “Hành động đó không đẹp/ không lịch sự chút nào và mẹ không muốn con lặp lại nữa”. Nếu lặp lại, hãy tìm hậu quả hợp lí để phân tích và xử lí.
7. Làm theo lời bố/mẹ nói ngay lập tức
Trẻ con có phải rô bốt đâu mà nhận lệnh là thi hành ngay. Chưa kể chúng có khi còn chưa nghe thấy lệnh vì còn mải tập trung việc khác. Và hơn nữa bạn càng nói câu này thì bé càng nhờn, có lí do để tiếp tục trì hoãn cho đến khi mẹ phải hét lên.
Vì thế, khi yêu cầu bé làm gì, hãy chắc chắn bé đã lắng nghe và có thể làm được lúc đó bằng cách đến gần con, ngồi xuống ngang tầm con rồi nói, chờ 5s để con thực hiện.
8. Con phải...
Chẳng ai thích bị ra lệnh cả, nhất là trẻ con, những em bé tính khí mạnh.
Thay vì “Con phải” hãy hỏi: “Con nghĩ xem có cách nào để….” “Theo con thì có cách nào để….” Khi bạn đá bóng về sân trẻ, chúng sẽ phải suy nghĩ. Và khi đã nghĩ ra, chúng sẽ vui vẻ hiện thực hóa ý tưởng của mình hơn.
Còn nếu bé không nghĩ ra và bạn phải nói, hãy nói “Mẹ nghĩ là…” “Theo mẹ thì…” sẽ dễ chấp nhận hơn.
9. Con nhìn bạn/em/anh/chị xem...
Lỗi so sánh kinh điển của các bố mẹ và dường như lúc nào cũng có một “Con nhà hàng xóm” giỏi hơn, ăn ngoan hơn…. Con nghe những câu so sánh chỉ thêm tự ti thôi.
Vì thế, hãy ngừng so sánh.
10. Bố Mẹ đã nói với con bao nhiêu lần rồi?
Câu nói này là câu nói vô nghĩa nhất mà các bậc cha mẹ thường nói, nếu trẻ trả lời được, chúng đã không làm thế từ đầu rồi. Câu này chỉ để bố mẹ xả cơn tức giận và khiến trẻ thêm rối trí.
Thay vì thế, hãy tìm cách làm thế nào để không phải nhắc trẻ nữa, bằng cách cùng thảo luận với con cách gì để không lặp lại vấn đề đó, in những tờ nhắc nhở đẹp để con nhớ… Hãy sáng tạo và tìm cách con có thể tiếp thu, thay vì tuyệt vọng “Mẹ đã nói bao nhiêu lần rồi?”