10+ bí kíp khích lệ con làm việc nhà dễ dàng
Trẻ trong độ tuổi “mầm non” rất giàu trí tưởng tượng, luôn thích được người khác quan tâm và “nhờ vả”. Vì vậy, bố mẹ đừng bỏ qua phương pháp dạy con làm việc nhà phù hợp tùy theo độ tuổi và sự nhận thức để thúc đẩy tư duy, nhận thức và tính cách siêng năng của con.
10 bí kíp khích lệ con làm việc nhà dễ dàng mà Monkey tổng hợp ngay sau đây sẽ giúp ích bạn!
Dạy con làm việc nhà phù hợp với độ tuổi
Trước hết, bố mẹ cần giảm kỳ vọng thực tế khi con làm việc nhà và xác định mục tiêu là thiết lập thói quen và giúp trẻ có thêm những bài học về trách nhiệm. Việc đồ chơi được sắp xếp ra sao hay quần áo của con được gấp gọn gàng như thế nào… không phải là mục tiêu quan trọng nhất! Hãy lựa chọn những công việc trong khả năng và phù hợp với lứa tuổi của con, bắt đầu từ những công việc đơn giản nhất và tăng dần độ khó theo giai đoạn. Để hoàn thành tốt những công việc khó hơn, ba mẹ cần xác định mất nhiều thời gian hơn vì con cũng cần nhiều nỗ lực và tính chất công việc cũng phức tạp hơn.
Bố mẹ nên cho con tham gia vào quá trình ra quyết định khi thực hiện công việc nhà. Hãy lắng nghe và để con tự đưa ra lựa chọn rõ ràng về nhiệm vụ. Chẳng hạn như, bố mẹ hãy hỏi con "Con thích làm công việc nhà nào? Bây giờ con muốn dọn bàn ăn hay sắp xếp quần áo vào tủ?".
Thêm một lưu ý khác: Bố mẹ hãy đưa ra những nhiệm vụ thật cụ thể! Yêu cầu dọn dẹp phòng là một nhiệm vụ quá rộng và quá khó hiểu khi con còn nhỏ. Hãy cho con biết chính xác mình cần phải làm những gì, chẳng hạn như sắp xếp gối vào đúng vị trí, gấp chăn ngay ngắn, đặt gấu bông đúng nơi quy định. Bố mẹ cần hướng dẫn và làm mẫu cho con trong những lần đầu tiên. Bố mẹ cũng không nên giao quá nhiều việc cùng một lúc tránh làm con bối rối. Con có thể lẫn lộn hoặc quên toàn bộ nhiệm vụ.
Tăng dần độ khó của công việc
Khi con lớn hơn thì bố mẹ có thể dạy con làm việc nhà khó hơn. Đó là những công việc đòi hỏi nhiều thời gian, nỗ lực và phức tạp hơn như sắp xếp đồ đạc, dọn dẹp bàn ăn, phân loại quần áo, rửa bát, quét nhà hay đổ rác… Nếu vẫn đang “bối rối” về những nhiệm vụ nên giao cho con, ba mẹ hãy tham khảo danh sách những việc nhà mà con có thể làm theo độ tuổi ngay sau đây!
Giai đoạn con 2- 3 tuổi, bố mẹ có thể dạy con:
-
Tự thu dọn đồ chơi cất vào hộp.
-
Đánh răng rửa mặt, rửa tay hay chải đầu.
-
Tự thay quần áo với sự trợ giúp rất ít từ bốmẹ.
-
Cất truyện, sách, báo lên kệ.
-
Xếp đũa hay khăn ăn vào bàn ăn.
-
Dọn đồ chơi.
-
Cất hoặc lấy những vật dụng nhỏ, đưa chúng lên giá kệ vừa tầm với.
Giai đoạn con 5 tuổi, bố mẹ có thể dạy con:
-
Dọn giường ngủ của chính mình.
-
Biết trả tiền cho những hóa đơn nhỏ nhất.
-
Cho thú nuôi ăn.
-
Buộc dây giày.
-
Phụ mẹ nấu ăn, làm những món đơn giản như bánh mì kẹp…
-
Dọn dẹp bàn ăn.
-
Để quần áo bẩn vào chậu.
-
Gấp quần áo, phân loại và cất chúng vào tủ.
Trong hành trình dạy con làm việc nhà, bố mẹ cũng nên sử dụng thời gian biểu - một công cụ tổ chức tốt của bố mẹ và giúp củng cố kỹ năng sắp xếp, cải thiện tư duy cùng các kỹ năng vượt trội cho con. Những tờ ghi chú hay lịch làm việc nhà nên được dán nơi con hay đi qua, được trang trí và trình bày dễ hiểu với màu sắc và hình vẽ sinh động.
Khen thưởng con đúng lúc
Khuyến khích, động viên kịp thời và đúng lúc là một cách hiệu quả bố mẹ cần làm khi dạy con làm việc nhà. Điều này sẽ khiến con vui vẻ và chấp nhận thử thách, ngay cả những việc mình không muốn. Bố mẹ có thể đưa ra những món quà nhỏ khi con làm tốt. Một mẹo hiệu quả được nhiều ba mẹ áp dụng đó là: Mỗi khi con hoàn thành tốt một nhiệm vụ sẽ được đánh giá tương đương với một ngôi sao, khi trẻ đạt được 10 ngôi sao sẽ nhận được một món quà yêu thích. Chẳng hạn như được bố mẹ đưa đi xem phim, đi sở thú hay ăn kem…
Thông qua những lời khen, những món quà, con sẽ học được rằng, sự cố gắng và kiên trì luôn có phần thưởng xứng đáng.
Tạo thi đua với anh/ chị/ em trong nhà
Trong trường hợp gia đình bạn có đông trẻ em, hãy giảm thiểu tối đa sự “thiên vị”, xung đột giữa chúng và hãy nói rõ với tất cả các thành viên rằng "mọi người đều phải tham gia làm việc nhà". Việc “tạo thi đua” với anh chị em trong nhà cũng là một cách hiệu quả để con có thể làm việc bằng tất cả sự nỗ lực.
Bố mẹ có thể tạo ra những ghi chú đáng yêu bằng giấy và ghi các công việc nhà khác nhau để trẻ bốc thăm và tự chọn công việc nhà sẽ làm. Thậm chí, ba mẹ có thể tạo ra cả một mảnh giấy may mắn có ghi “hôm nay là ngày nghỉ của con”. Cách làm thú vị này sẽ khiến con thấy rằng mình được tự lựa chọn làm việc nhà mà chúng muốn và còn thích thú hơn khi nhìn thấy anh/chị/em của mình cũng đang cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trẻ em luôn thích những cuộc cạnh tranh lành mạnh và đây là lý do bố mẹ nên tạo ra những cuộc thi giúp con nâng cao tinh thần làm việc nhà. Đặt giờ báo thức, trao giải cho “người hoàn thành nhanh nhất” hay cuộc thi đánh giá “ai chăm sóc thú cưng tốt nhất” là những ý tưởng hay bố mẹ có thể áp dụng.
Tặng con tiền thưởng (bỏ heo đất sử dụng mục đích có ích)
Tại sao bố mẹ không thử trả một chút tiền nhỏ khi con hoàn thành tốt? Điều này sẽ khiến con vô cùng phấn khích và tình nguyện giúp đỡ ba mẹ nhiều hơn để kiếm thêm “thu nhập” cho con heo đất của mình. Tất nhiên, bạn không cần phải trả nhiều tiền và quan trọng hơn, hãy giúp con học cách tiết kiệm và quản lý chi tiêu ngay khi còn nhỏ. Mua một món đồ dùng học tập, giúp đỡ người nghèo trong khả năng mình có là những ví dụ bố mẹ có thể gợi ý để con sử dụng tiền đúng cách.
Bố mẹ cần lưu ý rằng, hãy cân bằng giữa những lời khen, phần thưởng, sự ghi nhận với trách nhiệm hoàn thành công việc gia đình của con. Hãy để con thấy việc nhà là một phần của cuộc sống và nó nên được đóng góp bởi tất cả các thành viên. Tặng con tiền thường là một trong những phương tiện để ghi nhận những nỗ lực và dạy con những bài học về tiền bạc.
Đừng coi làm việc nhà là hình phạt
Một thực tế mà nhiều ba mẹ gặp phải là luôn coi việc nhà là một “hình phạt” nếu con không ngoan hoặc khi bị điểm kém. Bằng cách này, con sẽ hình thành nên nhận thức tiêu cực, trở nên căm ghét công việc nhà và đi ngược lại với mục đích ban đầu của ba mẹ. Suy nghĩ này thậm chí có khả năng kéo dài đến những năm tháng trưởng thành của con. Thay vào đó, bố mẹ hãy khuyến khích, động viên và khen ngợi trẻ khi con giúp đỡ việc nhà và giúp con nhìn nhận sự việc theo hướng tích cực.
Chia đều công việc cho mọi thành viên
Bố mẹ đừng quên giao việc nhà cho tất cả các thành viên trong gia đình để giảm bớt sự phản kháng của con. Hãy tuyên bố rằng mọi người đều cần tham gia làm việc nhà vì đây là công việc chung. Và như thế, trẻ thấy rằng đây là nhiệm vụ của tất cả thành viên và mình cần phải có trách nhiệm.
Thêm vào đó, khi cùng làm việc nhà với các thành viên khác, con sẽ thấy việc nhà vui và thú vị hơn rất nhiều. Đây cũng là cơ hội để bố mẹ và con chia sẻ những câu chuyện của mình, con sẽ cảm nhận được tình cảm gia đình khi làm việc chung cùng bố mẹ hay anh chị em.
Tạo không gian vui vẻ để con làm việc nhà thoải mái
Những công việc nhà rất có thể là niềm vui đối với con, nếu như bạn dạy con làm việc nhà đúng cách. Việc sắp xếp, dọn dẹp đồ đạc có thể liên quan đến các trò chơi như phân loại, kết hợp và ném trúng vào giỏ… Những bản nhạc hay bài hát yêu thích có thể giúp thời gian làm việc nhà của con trở nên sống động hơn. Nếu bạn cần con giúp làm bữa tối, hãy để con làm bếp trưởng và quyết định xem thực đơn tối nay có những món gì…
Không ngại để con đổ mồ hôi, làm bẩn quần áo
Bố mẹ hãy tin vào khả năng của con, giúp con biết quý trọng lao động thông qua việc tăng dần mức độ khó trong những công việc nhà. Hãy yên tâm để cho con làm bẩn quần áo, đổ mồ hôi và đối mặt với những thử thách mới. Mặc dù đây chỉ là những công việc nhà nhỏ bé nhưng sẽ rèn luyện cho con nội tâm mạnh mẽ, sự kiên nhẫn, tự tin khi nhận thấy mình có khả năng hoàn thành công việc.
Tin tưởng và làm gương cho con
Nhiều bố mẹ vẫn mặc nhiên làm giúp những việc mà con hoàn toàn có khả năng tự xoay sở như chuẩn bị đồ ăn sáng hay dọn dẹp phòng… Hãy tin tưởng vào khả năng của con, dạy con làm việc nhà phù hợp với độ tuổi và xác định rằng tất cả các công việc này đều cần được rèn luyện cho đến khi thành thạo. Đừng mong đợi con sẽ chủ động làm việc mà không cần nhắc nhở, chỉ sau một vài lần đầu tiên.
Đồng thời, ba mẹ cũng cần tự rèn luyện lối sống kỷ luật, tích cực, và truyền đạt những lời yêu thương để con noi theo. Hãy ghi nhận và khích lệ những thành quả mà con đạt được, dù là nhỏ nhất.