Áp dụng phương pháp Montessori tại nhà – Ba mẹ nên bắt đầu từ đâu?
Phương pháp Montessori không chỉ được áp dụng trong trường học, mà còn có thể thực hiện ngay tại nhà, ngay cả khi con không đến cơ sở giáo dục theo Montessori. Thế nhưng, không ít phụ huynh hoang mang không biết nên giáo dục trẻ từ đâu theo mô hình này. Ba mẹ nên:
Nuôi dạy con theo mô hình Montessori
Để bắt đầu đào tạo bé theo phương pháp này, điều trước tiên cần thực hiện là thử những điều dưới đây:
Cha mẹ đối với bé
Đối với con cái, cha mẹ cần thực hiện những điều sau đây:
-
Tôn trọng con: Ba mẹ hãy tôn trọng trẻ, luôn lắng nghe và nói như thể con đã là người lớn.
-
Cùng con học tập: Cung cấp những kinh nghiệm, hướng dẫn cần thiết để trẻ tự do khám phá. Hãy tìm thêm những tài liệu ở thư viện, hỏi những người có hiểu biết, bắt tay thực hiện thí nghiệm cùng trẻ…
-
Theo dõi trẻ từ xa: Hãy quan sát trẻ để dõi theo những niềm yêu thích, những điều mà con đang tìm kiếm; sau đó tạo cơ hội để trẻ có thể theo đuổi mối quan tâm này.
-
Đưa học tập vào cuộc sống hàng ngày: Trẻ nhỏ luôn tự thích tham gia vào một phần công việc trong gia đình. Ba mẹ có thể để trẻ bắt đầu chuẩn bị thức ăn, dọn bàn ăn, mua sắm, phơi đồ…
-
Chỉ hướng dẫn con: Là người hướng dẫn cho trẻ chứ không phải là người chỉ đạo hay người làm thay trẻ mọi thứ.
-
Sử dụng những những biện pháp thay thế khen thưởng và trừng phạt: Chuyển từ những động cơ ảnh hưởng sang cùng con làm việc, giải quyết vấn đề.
Đối với chính bản thân
Với bản thân mình, cha mẹ cần thực hiện những điều dưới đây:
-
Để bản thân chậm lại: Hãy lập kế hoạch bản thân ít hơn và cùng con khám phá với tốc độ chậm, dành nhiều thời gian cho con cùng vận động, trò chuyện và cộng tác.
-
Nhìn nhận từ quan điểm của trẻ: Để hiểu rõ hơn những hành vi của trẻ và thừa nhận những cảm xúc của bé, đôi lúc có thể là nũng nịu, cáu gắt, nghịch ngợm… Đây chính là một quy luật tự nhiên và tất yếu của trẻ mà thôi.
-
Quan sát khách quan để thay thế cho những giả định và phán đoán: Hãy quan sát cách con di chuyển, giao tiếp, kỹ năng, tương tác xã hội để hiểu con hơn.
-
Kiên nhẫn: Đây cũng là điều rất quan trọng khi bắt đầu thực hiện phương pháp Montessori tại nhà cho trẻ. Hãy hiểu chính mình và tìm cách trở lại bình tĩnh khi thực sự cần thiết.
Bố trí không gian ngôi nhà
Để bắt đầu áp dụng phương pháp Montessori tại nhà, ba mẹ có thể cần sắp xếp lại ngôi nhà của mình trở nên hấp dẫn và dễ dàng tiếp cận hơn đối với trẻ. Một số ý tưởng để giúp cha mẹ thiết lập lại ngôi nhà của mình như:
-
Chuẩn bị đồ nội thất và dụng cụ có kích thước phù hợp với trẻ: Tìm bàn ghế phù hợp, thấp và vừa tầm, sưu tập các công cụ nhỏ như bình nước tưới, cây lau nhà, thùng bỏ rác…
-
Sắp xếp vật dụng để trẻ dễ dàng tiếp cận mọi thứ: Chẳng hạn như giá treo đồ thấp để trẻ tự lấy đồ mặc. Luôn chuẩn bị sẵn sàng các vật dụng dọn dẹp để bé có thể sử dụng, khay giỏ đựng đồ chơi để con có thể tự quản lý.
-
Trang trí tạo nên sự hứng thú: Hãy quan sát thế giới xung quanh dưới góc nhìn của trẻ. Hãy ngồi trên sàn từ chiều cao của trẻ và nhìn ngắm những gì ba mẹ đã trang trí liệu có thực sự phù hợp.
-
Không gian tạo tính tự lập: Hãy tạo nên không gian dễ dọn dẹp và tạo cơ hội để trẻ tự thu dọn đồ đạc khi con không chơi nữa.
-
Hãy ghi nhớ và chuyển đổi các hoạt động: Hãy thực hiện thường xuyên những hoạt động mà trẻ yêu thích và có thể thay đổi khi con cảm thấy nhàm chán.
Áp dụng các hoạt động theo phương pháp giáo dục Montessori
Bên cạnh việc bố trí không gian của ngôi nhà để trẻ dễ dàng tiếp cận hơn, cha mẹ nên sử dụng các hoạt động dựa trên phương pháp giáo dục Montessori. Một số ý tưởng mà ba mẹ có thể thực hiện như:
-
Sử dụng âm nhạc và chuyển động: Có thể sử dụng nhạc cụ để kích thích niềm yêu thích âm nhạc của trẻ, cùng con nhảy, chạy, leo trèo, đi xe đạp.
-
Ngôn ngữ qua sách, giao tiếp: Những câu chuyện kể trong sách hay đơn thuần cùng con trò chuyện sẽ giúp phong phú ngôn ngữ của trẻ, dùng những thẻ từ để kích thích tư duy.
-
Nghệ thuật và thủ công: Hãy để trẻ vẽ những nét nguệch ngoạc, nặn đất sét, tô màu, cắt, dán…
-
Các hoạt động thực tế hàng ngày: Có thể chuẩn bị một bữa ăn nhẹ, để trẻ tự chuẩn bị bữa ăn, học cách chăm sóc cây, dọn dẹp đồ dùng, giặt giũ, làm vườn…
-
Sự phối hợp giữa mắt và tay chân: Học cách phân loại đồ dùng, xâu chuỗi đồ vật…
Cách áp dụng phương pháp Montessori tại nhà theo từng giai đoạn phát triển của trẻ
Mỗi giai đoạn phát triển của trẻ đều có những đặc trưng riêng, chính vì thế cha mẹ cần dựa theo những thời điểm để áp dụng sao cho phù hợp:
Với trẻ sơ sinh
Ngay từ khi chào đời, cha mẹ đã có thể dạy bé theo phương pháp Montessori để nuôi dưỡng và kích thích sự phát triển hoàn thiện ở trẻ. Theo đó, cha mẹ có thể thiết lập nên:
-
Môi trường: Tạo nên không gian phòng ngủ yên tĩnh để trẻ có thể dần thích nghi với môi trường “mới’. Cha mẹ có thể dùng những bài nhạc nhẹ, êm dịu và mở cửa sổ để con có thể cảm nhận ánh nắng tự nhiên và cảm thấy dễ chịu.
-
Đồ chơi: Cha mẹ nên ưu tiên chọn lựa đồ chơi cho trẻ được làm từ những vật liệu tự nhiên, màu sắc nhẹ nhàng và để trong tầm với của trẻ. Việc trẻ có thể cầm nắm và chơi đùa cùng những vật dụng này góp phần phát triển giác quan của trẻ.
-
Phát triển toàn diện: Trẻ sơ sinh sẽ thông minh và phát triển vượt trội nếu như con được nghe nhạc 20 phút mỗi ngày với mức âm lượng vừa phải. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể để bé tiếp xúc với nhiều mùi hương tự nhiên như hương hoa, đồ ăn để kích thích khứu giác. Khi bé bắt đầu ăn dặm ở tháng thứ 6, hãy làm phong phú vị giác của trẻ với hương vị từ hoa quả.
Với trẻ 1-2 tuổi
Trong giai đoạn trẻ từ 1-2 tuổi, bé đã có thể di chuyển nhiều hơn nên cha mẹ hãy tạo ra môi trường thoải mái để trẻ có thể phát triển khả năng vận động nhưng vẫn đủ an toàn. Cha mẹ cần làm những điều sau để đạt hiệu quả khi áp dụng phương pháp Montessori tại nhà:
-
Môi trường: Xây dựng môi trường sống trong nhà, ngoài trời và cần bố trí các vật dụng để trẻ có thể leo trèo, vận động. Cha mẹ chỉ hỗ trợ khi trẻ gặp khó khăn đồng thời khích lệ con khi bé vấp ngã.
-
Đồ chơi và vật liệu: Đồ chơi nên ưu tiên chọn lựa chất liệu có nguồn gốc tự nhiên để đảm bảo an toàn và tạo ra nhiều giá trị sau này.
-
Giao tiếp: Trong giai đoạn này, hãy ngưng dùng ti giả để giúp cơ quan vòm họng phát triển và điều chỉnh tiếng và âm thanh quản. Bên cạnh đó, việc cha mẹ thường xuyên trò chuyện giúp khuyến khích trẻ thường xuyên sử dụng ngôn ngữ.
-
Hãy để trẻ làm mọi thứ: Phụ huynh nên để con tự trải nghiệm, quan sát và tìm tòi, làm bất cứ điều gì con thích. Kiểu chơi đùa này sẽ giúp con thỏa mãn tính tò mò và học được nhiều điều mới.
Với trẻ 2-3 tuổi
Trong giai đoạn trẻ từ 2-3 tuổi, các con cần được rèn luyện tính tự lập nhiều hơn, chính vì thế cần thiết lập một môi trường phù hợp. Những bước xây dựng cần thiết trong thời điểm này theo phương pháp Montessori tại nhà là:
-
Môi trường: Cha mẹ cần tạo nên môi trường an toàn để trẻ có thể tự do học tập, vui chơi và trải nghiệm những điều thú vị. Trong đó, giường nệm nên ưu tiên sử dụng loại thấp để trẻ thuận tiện lên xuống, khu vực đồ chơi cần được bố trí chiếc rổ để trẻ gọn gàng và ngăn nắp.
-
Tạo điều kiện để con tự lập: Con nên có một tủ đồ thấp để lựa chọn trang phục theo sở thích của bản thân, đồng thời cha mẹ nên tư vấn để con chọn lựa quần áo theo thời tiết. Trong phòng tắm, cha mẹ nên sắp xếp bàn chải, kem đánh răng để trẻ dễ dàng tự sử dụng.
-
Đồ chơi, vật liệu: Trong thời kỳ này, cha mẹ nên chuẩn bị cho trẻ những cuốn sách thú vị, nội dung và hình ảnh phù hợp và cùng con đọc sách. Một số trò chơi hấp dẫn có thể cùng con thực hiện như: Phân loại tất, thi thắt dây giày, đá bóng, thay đồ…
-
Giao tiếp: Khi trẻ 2 tuổi, các con bắt đầu phát triển mạnh về ngôn ngữ đồng thời vốn từ cũng phong phú hơn rất nhiều. Do đó, cha mẹ cần thường xuyên giao tiếp và trò chuyện với trẻ, bên cạnh đó cần cẩn thận ngôn ngữ và hành vi của mình khi trẻ bên cạnh.
Với trẻ 3-6 tuổi
Dạy con theo phương pháp Montessori tại nhà từ 3-6 tuổi chủ yếu là củng cố những gì con học ở trường bằng cách thực hiện dựa trên những kỹ năng thực tế hàng ngày, cụ thể:
-
Môi trường: Cần thiết kế góc học tập, phòng ngủ và khu vực vui chơi phù hợp theo sở thích của trẻ. Chẳng hạn như nếu con yêu thích tiếng Anh hãy dán những stickers ngộ nghĩnh với từ khóa từ tiếng Anh, yêu thích khoa học trang trí bằng những hình kính lúp, ống nghe…
-
Trò chơi: Montessori chủ yếu dựa trên giáo dục trực quan, cha mẹ có thể gợi ý những trò chơi để con có thể rèn luyện sự khéo léo cùng khả năng tập trung để não bộ phát triển toàn diện.
-
Giao tiếp: Đây là thời điểm vàng để con phát triển ngôn ngữ ngay tại nhà. Phụ huynh nên mua những tấm thẻ có chữ cái, câu nói dân gian để cùng bé chơi hoặc dán ở những nơi bé dễ dàng nhìn thấy. Cùng bé đếm số, kể những câu chuyện hay… là những cách cha mẹ nên thực hiện.
Những lưu ý khi áp dụng phương pháp Montessori tại nhà
Phương pháp Montessori tuy đã xuất hiện lâu đời và được áp dụng rộng rãi, nhưng phụ huynh cũng cần lưu ý áp dụng đúng cách theo một số tiêu chí sau:
Nhẫn nại và nương theo con
Thông thường khi trẻ ở độ tuổi lên 3 các con sẽ tự ý thức được bản thân mình là người độc lập và làm theo ý thích của bản thân. Chẳng hạn như các con muốn tự thực hiện việc tắm rửa, dọn dẹp hay ăn uống. Tuy nhiên, sự tự lập này đôi khi đối lập với khả năng của con bởi không phải bất cứ việc gì cũng có thể thực hiện được.
Đôi khi con sẽ gặp phải sự ngăn cản hoặc can thiệp, không đồng tình người lớn. Điều này khiến trẻ cảm thấy tự ti, khó chịu, đôi khi phản tác dụng đi theo chiều hướng chống đối, ngang ngạnh và ích kỷ. Nhiều cha mẹ lo lắng thái quá, chỉ cần quan tâm trẻ và giúp con giải quyết những mong muốn của mình, trẻ sẽ ổn định hơn.
Không nên quá coi trọng thành tích
Dĩ nhiên cha mẹ không phải là các giáo viên đúng chuẩn Montessori nên không nên quá chạy theo thành tích. Giáo dục theo phương pháp Montessori tại nhà chủ yếu định hướng để con vui chơi và quan tâm nhiều hơn đến thể chất của trẻ. Bởi những công cụ giáo dục tại nhà không đầy đủ.
Chú trọng vào những hoạt động khám phá, tìm hiểu thế giới và giao tiếp nhiều hơn với con chính là cách thức tối ưu nhất theo Montessori ở nhà.
Với những phương pháp Montessori tại nhà, cha mẹ có thể áp dụng ngay mô hình này cho con để định hướng tốt nhất trong những năm đầu đời của bé.