Dinh dưỡng cho bé mùa hè tốt giúp bé khỏe mạnh và thông minh
Dinh dưỡng cho bé mùa hè rất quan trọng đảm bảo sự phát triển toàn diện của bé trong thời tiết khó chịu nắng nóng. Ảnh Internet
1. Dinh dưỡng cho bé mùa hè
Vào các mùa, chế độ dinh dưỡng cho bé đều phải thay đổi, để đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ. Giúp con trải qua mùa hè vui khỏe, chắc chắn việc lựa chọn, áp dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp với khí hậu nắng nóng, là việc làm cần thiết, đúng đắn với tất cả các bà mẹ phải không nào. Vậy chi tiết về dinh dưỡng cho bé vào mùa hè cụ thể như thế nào, các mẹ cùng theo dõi ngay sau đây nhé.
1.1 Về các nhóm thực phẩm cần thiết
Có 4 nhóm thực phẩm cần thiết cho bé, các mẹ nên lưu ý bổ sung cân đối trong chế độ dinh dưỡng, để con phát triển khỏe mạnh và thông minh.
1.1.1 Tinh bột (Gluxid/Carbohydrat)
Để đảm bảo nguồn năng lượng cho bé trong mọi sinh hoạt, đặc biệt là vào mùa hè thì mẹ cần cung cấp đủ nhóm chất đường bột vào chế độ dinh dưỡng mỗi ngày của con. Nhóm chất đường bột khi vào dạ dày sẽ được biến đổi thành đường glucose, có tác dụng kích thích não bộ làm việc tốt hơn trong việc điều khiển hoạt động của các cơ quan khác. Ngoài ra, tinh bột còn hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn thông qua việc kích thích các nhu động ruột, co bóp dạ dày, từ đó giúp cơ thể con có thể hấp thu được các chất dinh dưỡng khác hiệu quả hơn.
Nhóm thực phẩm có chứa nhiều tinh bột có thể kể đến từ ngũ cốc, gạo, rau củ như khoai tây, bí ngô, khoai lang, cho đến các loại đậu và trái cây. Nên, mẹ hãy thay đổi cách chế biến đa dạng nhóm thực phẩm này, để giúp bé ăn ngon miệng hơn.
Tuy nhiên, một lưu ý dành cho các mẹ là không nên cho trẻ ăn quá nhiều tinh bột, điều này sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ. Bé sẽ bị chướng bụng khó chịu vì hệ tiêu hóa của bé không chuyển hóa hết năng lượng, quai ruột giãn ra. Còn đối với các loại ngũ cốc , không nên xay nát quá, vì điều này có thể làm giảm giá trị dinh dưỡng có trong nó các mẹ nhé.
Tinh bột giúp cho các hoạt động của các cơ quan diễn ra được bình thường. Ảnh Internet
1.1.2 Chất đạm (Protein)
Đây là dưỡng chất giúp con khỏe mạnh và thông minh. Mẹ nên bổ sung đầy đủ chất đạm vào chế độ ăn của bé, đặc biệt khi vào thời tiết nắng nóng như mùa hè thì lại càng cần thiết, nó giúp trẻ có sức đề kháng hơn, ít bị bệnh hơn.
Protein là dưỡng chất chịu trách nhiệm chính trong việc sản sinh các nhóm cơ, là thành phần quan trọng trong chức năng sống của cơ thể, sản sinh ra các kháng thể và dịch bài tiết. Không những vậy nó còn giúp chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong cơ thể, giúp hệ tiêu hóa tốt hơn và giúp bé ăn ngon miệng hơn.
Để bổ sung protein các mẹ nên cho con ăn các loại thịt như thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thịt vịt,...
Các mẹ có bé sơ sinh và trẻ nhỏ cần lưu ý trong việc cân bằng protein cho trẻ, nếu protein bị dư sẽ làm ảnh hưởng xấu đến thận của trẻ.
1.1.3 Chất béo (Lipid)
Là nguồn năng lượng quan trọng để bé hoạt động và vui chơi, nó giúp cơ thể bé tích trữ năng lượng. Chất béo còn giúp cho việc hấp thụ các vitamin cho trẻ tốt hơn và đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành mô não và mô võng mạc cho trẻ.
Bổ sung đầy đủ chất béo là điều cần thiết cho bé. Mẹ có thể cho bé ăn những thực phẩm như bơ, dầu olive, dầu mè, sữa, phô mai, bơ đậu phộng,... để bé phát triển tốt hơn.
Các mẹ cũng nên cân bằng Lipid cho trẻ để trẻ không bị béo phì, tiểu đường,...
1.1.4 Nhóm vitamin và khoáng chất
Những dưỡng chất này không thể thiếu trong quá trình phát triển của bé, vitamin và các khoáng chất giúp cho bé trao đổi chất tốt hơn, hỗ trợ hệ tiêu hóa và điều hòa lượng cholesterol trong máu cho bé.
Có rất nhiều nguồn thực phẩm cung cấp vitamin và khoáng chất cho trẻ như:
- Thực phẩm tôm, cua, phô mai, súp lơ xanh, sữa canxi,... cung cấp canxi giúp trẻ tăng chiều cao và chống còi xương, giúp xây dựng bộ xương và răng cho trẻ.
- Thực phẩm từ thịt lợn, thịt bò, cá, huyết hoặc gan có thể giúp trẻ bổ sung sắt, Vitamin B và kẽm vào cơ thể, ngăn ngừa thiếu máu và giúp chúng vận chuyển oxy đến cơ thể, giúp trẻ nhanh lớn, bảo vệ da và các dây thần kinh khác.
- Các loại trái cây như cam, quýt, ớt xanh, cà chua ... giúp trẻ em chữa lành vết thương, bảo vệ cấu trúc xương và hấp thụ các chất dinh dưỡng khác tốt hơn.
- Các loại rau có màu vàng cam như cà rốt, bí đỏ, ... hoặc dầu cá có thể cung cấp vitamin A cho trẻ em, bảo vệ da và niêm mạc mắt của chúng khỏi khỏe mạnh.
- Các vitamin khác như iốt, Vitamin D và axit folic, các bà mẹ có thể giúp bé hấp thụ bằng cách cho bé ăn nhiều rau, các bữa ăn sử dụng lượng muối iốt thích hợp hoặc đơn giản nhất để giúp chúng tắm nắng vào sáng sớm để hấp thụ Vitamin D.
1.2 Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống của bé vào mùa hè cần có đủ 4 nhóm dưỡng chất quan trong cần thiết cho trẻ. Tuy nhiên vào mùa hè mẹ cần chú trọng hơn vào những bữa ăn của trẻ.
- Cho trẻ ăn nhiều hơn ngày thường các nhóm thực phẩm có tính giải nhiệt, tăng cường hệ miễn dịch, kích thích ăn ngon miệng như: rau giền, rau muống, bí, thịt , cá , trứng sữa,... chúng giúp cho cơ thể trẻ ổn định nhiệt độ, đồng thời cung cấp nhiều vitamin cho cơ thể, thêm các chất xơ để tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ. Ngoài ra, để đảm bảo dinh dưỡng và giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động tốt hơn, mẹ cần bổ sung thêm cho bé ít nhất 400-500ml sữa mỗi ngày.
- Các mẹ nên chia nhỏ bữa ăn, ăn nhiều canh rau và hạn chế dầu mỡ có trong thức ăn,... để tránh làm trẻ nóng, lâu tiêu, làm tăng thân nhiệt. Các mẹ cũng nên cho con ăn nhiều hải sản như cá, tôm, cua, mực, ốc, trai, hến vì chất béo của nó dễ tiêu hóa, nhiều omega 3 có lợi cho tim mạch, giàu chất khoáng vi lượng như sắt, kẽm, đồng, coban, iod, selen, flor,...
- Nạc cá là loại thịt tốt nhất cho trẻ trong ngày hè, vì vừa cung cấp đủ dinh dưỡng, vừa dễ tiêu hóa, không khiến bé bị nóng trong người.
- Cho bé ăn bổ sung bằng những bữa ăn bổ mát như: chè hạt sen, sữa, sữa chua, váng sữa, caramen, bánh flan,...
- Muốn trẻ ăn ngon miệng ngoài việc bổ sung đầy đủ chất và cân bằng dinh dưỡng, mẹ còn nên chú ý đến việc thay đổi món ăn cho trẻ, thay đổi cả cách chế biến. Nếu có điều kiện, nên thay đổi các món ăn trong ngày. Vì điều này sẽ kích thích việc ăn uống của trẻ, giúp con luôn hứng thứ với việc ăn uống, ngay cả trong điều kiện thời tiết nóng bức , khó chịu nhất.
1.3 Bổ sung nước
Mùa hè khiến trẻ rất dễ bị mất nước vì trẻ ra mồ hôi nhiều dễ mắc các bệnh nổi mụn, rôm sảy,... Vì vậy, các mẹ nên lưu ý để bổ sung nước cho con được đầy đủ. Nên tập cho trẻ uống nước ngay cả khi trẻ không khát, vì nước rất có lợi cho cơ thể của trẻ nếu uống đủ và đúng cách.
1.3.1 Trẻ cần uống uống bao nhiêu là đủ?
- Đối với trẻ nhỏ dưới 6 tháng : Trẻ bú mẹ hoàn toàn lẫn uống sữa công thức, mẹ đều không cần cho trẻ uống thêm nước mà tăng cường cữ bú. Bất cứ trường hợp nào cần bổ sung nước cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sỹ để tránh ngộ độc nước cho con.
- Đối với trẻ 6 – 12 tháng : Nhu cầu nước là 100ml/kg/ngày (kể cả sữa).
Ví dụ trẻ nặng 8kg cần 800ml nước, nếu trẻ uống được 600ml sữa cần bổ sung 200ml/ngày dưới dạng nước đun sôi để nguội, nước quả tươi, nước rau luộc,…
- Đối với trẻ từ 1 tuổi trở lên :
Trẻ 10 kg cần 1 lít nước một ngày (kể cả sữa), trẻ > 10kg mỗi kg thêm 50ml, có thể ước tính lượng nước hàng ngày cho trẻ như sau:
Lượng nước uống (ml) = 1000 ml + n x 50 (n = số kg của trẻ - 10).
Ví dụ trẻ nặng 13 kg cần: 1000 ml + (3 x 50ml) = 1150 ml, nếu trẻ uống được 500ml sữa, số nước cần bổ sung là: 1150 – 500 = 650 ml.
- Trẻ từ 10 tuổi trở lên lượng nước uống bằng người lớn : 2 – 2,5l/ngày.
Thiếu nước không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ mà còn là nguyên nhân gây ra các bệnh phổ biến mùa hè như cảm cúm , sốt,...Tuy nhiên, bổ sung nước cho trẻ không đúng cách và không khoa học cũng có thể gây hại cho trẻ, vì vậy, mẹ luôn lưu ý điều này nhé.
1.3.2 Uống nước đúng cách
Uống nước nên chia làm nhiều lần trong ngày chứ không nên uống một lần quá nhiều. Ngay cả khi khát nước mẹ cũng không nên để con uống quá nhiều một lúc, tốt nhất là nên cho con uống từ từ từng ngụm một, để cho nước có thời gian thấm qua thành ruột vào mạch máu. Không nên để cho trẻ vừa ăn vừa uống vì sẽ hòa loãng thức ăn và mau đưa dịch vị dạ dày xuống ruột, khiến cho việc tiêu hóa khó khăn.
Nước không chỉ có trong nước lọc mà còn ở trong những thức uống khác như sữa, nước ép trái cây,...Nhưng, mẹ cũng lưu ý tránh cho bé sử dụng nước ngọt, ngước có ga hay phẩm màu.
1.4 Bổ sung các nguồn thực phẩm cung cấp vitamin
Thời tiết nóng nực, cơ chế tiết mồ hôi nhiều cùng sự vận động cao có thể dẫn tới tình trạng thiếu vitamin ở trẻ. Với sự thất thoát nhiệt lượng và chất điện giải thông qua mồ hôi, bài tiết, thì các khoáng chất và vitamin cũng mất đi. Đặc biệt, các vitamin như vitamin B1, B2, B6, C và PP rất nhanh chóng bị mất.
Để bổ sung lại lượng vitamin bị mất trong quá trình vận động của trẻ, mẹ có thể lựa chọn các loại trái cây tươi ngon, bổ lành như dứa, cam, dưa hấu, dâu tây, bơ, đu đủ…cho bé dùng. Trái cây không chỉ là nguồn thực phẩm cung cấp khá nhiều vitamin, dưỡng chất và chất xơ cho trẻ, mà còn giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch , phòng chống được các bệnh mùa hè.