Tỷ lệ trẻ mắc các bệnh rối loạn tiêu hóa (đau bụng, sốt, ói, tiêu chảy...) tăng trong dịp Tết. Nguyên nhân chủ yếu do cha mẹ bận rộn, nếp ăn bình thường bị phá vỡ, ăn nhiều thức ăn chứa đường và chất béo khó tiêu hoặc đồ ăn bị nhiễm khuẩn, biến chất do lưu trữ nhiều ngày.
Vào dịp Tết các gia đình thường tham gia nhiều hoạt động vui chơi, lễ hội nên dễ làm đảo lộn giờ giấc sinh hoạt của trẻ. Các bé ham chơi thức khuya, dậy muộn, bỏ bữa hoặc chỉ ăn uống qua loa dễ dẫn đến tình trạng thiếu chất, sụt cân...
Do đó, việc duy trì chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý là điều kiện tiên quyết giúp trẻ ăn Tết vui vẻ mà không hại sức khỏe.
Trước tiên, phụ huynh cần đảm bảo giờ giấc sinh hoạt và ăn uống của trẻ không bị xáo trộn nhiều trong những ngày nghỉ. Tuyệt đối không để bé quên giấc, thức quá khuya hoặc ngủ đến trưa.
Ăn đúng giờ đủ bữa và bổ sung nhiều rau xanh để cung cấp đầy đủ dưỡng chất, giảm táo bón, ợ nóng, khó tiêu. Một số loại củ như khoai tây, cà rốt, củ cải, su hào... có thể để lâu. Bổ sung thêm rau củ, trái cây tươi, nước lọc, men tiêu hóa để phòng nguy cơ rối loạn tiêu hóa.
Hạn chế ăn bánh kẹo, đồ ngọt, đồ uống có ga, nhất là trẻ em bị tăng cân, béo phì. Các loại thực phẩm giàu năng lượng như bánh chưng, món chiên rán, chả giò, lạp xưởng chế biến sẵn... nên ăn chừng mực.
Trẻ thấp còi cũng cần ăn uống lành mạnh và cân đối các loại đạm từ thịt, cá, trứng, tôm, cua tươi hoặc bổ sung các bữa phụ. Nên khuyến khích trẻ ăn các loại đậu, hạt khô tốt cho sức khỏe như bí, đậu phộng, điều, hướng dương...
Ngoài ra, gia đình đảm bảo bảo quản thức ăn đúng cách. Hạn chế cho trẻ ăn đồ để lâu hay thức ăn nấu xong phải chờ cúng có nguy cơ nhiễm khuẩn. Nên cho trẻ ăn đồ ăn tươi mới để đảm bảo vệ sinh.