Khi nào được coi là bị tiêu chảy cấp?
Tiêu chảy là chỉ số lần đại tiện tăng, thường mỗi ngày trên 3 lần, phân loãng hoặc như nước, có khi còn lẫn những chất không bình thường như thức ăn chưa tiêu hóa, dịch nhầy bởi chế độ ăn không thích hợp gây rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy thường) hoặc toàn nước có lẫn máu và bệnh diễn ra nhiều ngày khoảng từ 5 - 7 ngày (tiêu chảy cấpTiêu chảy cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 80% trong số đó xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi.
Tiêu chảy cấp là một trong những bệnh về đường tiêu hóa thường gặp nhất ở trẻ em, nhất là vào mùa hè. Tiêu chảy cấp rất dễ lây lan, có nguy cơ gây suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ nếu không được chăm sóc và điều trị đúng.
Tại sao mùa hè dễ bị tiêu chảy cấp?
Thời tiết nắng nóng tạo điều kiện thuận lợi cho ruồi, muỗi, chuột, gián, kiến... sinh sôi càng làm mầm bệnh dễ lây lan, đặc biệt là ở những khu vực dân cư đông người, sử dụng chung nguồn nước ăn uống, sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh. Bện cạnh đó, nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển, đặc biệt là vi khuẩn tả (V. cholerae), lỵ (Shigella), E.coli, thương hàn (Salmonella), vi khuẩn ngộ độc thịt (C. botuninum)...
Mùa nắng nóng làm thực phẩm rất dễ hỏng nếu không được bảo quản tốt, ăn phải các loại thực phẩm này rất dễ bị ngộ độc thực phẩm gây tiêu chảy cấp. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2 triệu lượt người bị tiêu chảy do ngộ độc thức ăn với chi phí điều trị lên đến 2000 tỷ đồng.
Tiêu chảy cấp là một trong những bệnh thường gặp nhất và là “thủ phạm” hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, nhất là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Khi các vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào đường ruột, nếu chúng có độc lực mạnh, số lượng nhiều hoặc sức đề kháng cơ thể trẻ kém, chúng sẽ lấn át các vi khuẩn có lợi và tiết ra độc tố gây tiêu chảy.
Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà thế nào?
a. Chế độ ăn cho trẻ bị tiêu chảy:
Vẫn cho trẻ ăn bình thường, không nên bắt trẻ nhịn ăn dẫn đến hạ đường huyết, cơ thể suy nhược và thiếu ăn dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng. Nếu trẻ còn đang bú vẫn cho trẻ bú bình thường và cho ăn những thức ăn nhẹ, dễ tiêu. Cho trẻ ăn nhiều bữa một ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường.
b. Bù nước, điện giải bằng đường uống:
Đối với trẻ bị tiêu chảy vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là phải bồi lại lượng nước đã mất do trẻ đi tiêu nhiều lần mà phương pháp bù bằng đường uống là thông dụng, phổ biến, đơn giản và hiệu quả.
Cách bù nước và muối phổ biến nhất là cho trẻ uống dung dịch oresol pha đúng liều lượng.
Cách pha đúng: theo hướng dẫn ghi trên nhãn gói oresol, ví dụ gói pha 1 lít nước; gói pha 200ml, gói pha 250ml. Pha với nước đun sôi để nguội.
Cách uống oresol:
Trẻ dưới 2 tuổi, uống mỗi lần 50 - 100ml sau mỗi lần tiêu chảy
Trẻ 2 - 10 tuổi, uống mỗi lần 100 - 200 ml sau mỗi lần tiêu chảy
Trẻ trên 10 tuổi, uống theo nhu cầu của trẻ
c. Men vi sinh (Probiotics):
Men vi sinh giúp củng cố sự vững bền của hàng rào niêm mạc ruột. Ngoài ra, lợi khuẩn sẽ cạnh tranh và đẩy các vi khuẩn gây bệnh ra bên ngoài.
d. Thuốc chống tiêu chảy:
Racecadotril được sử dụng để điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em và có khả năng dung nạp tốt hơn Loperamid, vì racecadotrilkhông gây đầy bụng, táo bón. Một số hướng dẫn đã khuyến nghị sử dụng racecadotril cùng với bù nước bằng đường uống để điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em.
Luôn dùng thuốc chính xác như hướng dẫn của bác sỹ hoặc dược sỹ. Nếu chưa rõ, hãy hỏi lại cho chắc chắn.
Phòng ngừa bệnh tiêu chảy
Một số biện pháp giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn như:
Cho trẻ bú sữa mẹ: Sữa mẹ có nhiều chất mà sữa công thức không có, giúp bảo vệ bé khỏi nhiều bệnh lý và tình trạng nhiễm trùng. Chuyên gia khuyến nghị mẹ nên cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và duy trì ít nhất đến năm trẻ 1 tuổi.
- Ngăn vi trùng lây lan bằng cách thường xuyên rửa tay trẻ bằng xà phòng hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn tay. Không cho trẻ tiếp xúc với những trẻ bị tiêu chảy hoặc nôn trớ.
- Giữ các bề mặt trong phòng tắm, phòng khách (như bồn rửa mặt, tay nắm cửa, bàn ghế, giường tủ…) sạch sẽ.
- Rửa sạch trái cây và rau củ trước khi cho trẻ ăn.
- Luôn đảm bảo trẻ uống nước lọc đã đun sôi/nước tinh khiết. Hạn chế nước trái cây và thức uống có đường trong thực đơn của trẻ.
- Có phương pháp bảo quản/rã đông thực phẩm đúng cách, ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập.
- Không cho trẻ uống sữa tươi chưa tiệt trùng hoặc thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng (mốc, ôi thiu, lên men…).
- Tránh cho trẻ dùng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh, nếu không thật sự cần thiết.
- Cho trẻ tiêm vắc xin ngừa virus rota.