Vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh cho bé trong những ngày nồm ẩm kéo dài, cần chăm sóc và phòng bệnh cho bé đúng cách.
Nền nhiệt độ ẩm thấp còn tạo điều kiện cho các virus gây bệnh đường hô hấp, sốt phát ban, sởi, thủy đậu, Rubella phát triển gây bệnh. Hay gặp là chứng cảm cúm, cảm lạnh gây chảy nước mũi, đau họng, ho, đau mỏi các cơ. Nếu không điều trị sớm, virus vào phổi có thể gây suy hô hấp rất nhanh. Các nấm mốc, vi nấm rất phát triển khi trời nồm ẩm, lơ lửng trong không khí, bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu... rất dễ bị dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp gây bộc phát cơn hen suyễn nếu dị ứng với bụi nhà. Trời nồm ẩm, nên thực phẩm, thức ăn không bảo quản đúng cách cũng dễ bị ôi thiu, khi trẻ ăn phải sẽ gặp các rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy... Trời nồm, trẻ có thể ra nhiều mồ hôi vào ban đêm, khó ngủ hơn, nên sức đề kháng cũng kém hơn và dễ ốm.
Cách tốt nhất để trẻ không bị mắc các bệnh trong mùa nồm là cần có những giải pháp để phòng bệnh đúng cách, bảo vệ trẻ khỏi những tác nhân gây bệnh trong kiểu thời tiết khó chịu này. Các bậc cha mẹ cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ
Nếu độ ẩm không khí tăng cao, hãy đóng kín cửa để hạn chế không khí ẩm vào nhà. Không lau nhà bằng khăn ướt mà dùng các khăn khô thấm hút nước tốt lâu khô sàn nhà. Thay chăn ga thường xuyên để phòng ẩm, nấm mốc ở chăn ga có thể là dị nguyên gây bệnh cho trẻ.
Tạo môi trường sống sạch, vệ sinh nhà cửa, giữ sạch môi trường sống cũng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Các gia đình nên sử dụng máy hút ẩm để tạo độ khô ráo, sấy thật khô quần áo để tránh tạo điều kiện nấm mốc phát triển. Trong mỗi gia đình, không nên dùng thảm trải nhà. Nếu có thảm thì phải thường xuyên hút ẩm, làm sạch, tránh nguy cơ mắc các bệnh ngoài da như dị ứng, viêm da.
Đặc biệt cần chú ý tới những tủ sách lâu năm trong gia đình. Đã có rất nhiều trường hợp lên cơn hen cấp tính phải nhập viện, sau khi cho trẻ chơi, đọc những quyển sách đó khiến trẻ hít phải bụi, mốc từ sách và lên cơn hen.
Thực hiện lối sống khoa học
Nên tập cho trẻ chế độ sinh hoạt khoa học như ngủ đúng giờ và đủ giấc. Khuyến khích trẻ tập thể dục hàng ngày, cho trẻ nhỏ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời 15 phút mỗi buổi sáng sớm hoặc xế chiều. Vệ sinh cơ thể, tay chân cho trẻ thật sạch sẽ trước và sau mỗi bữa ăn, sau khi đi ra đường về, sau khi đi vệ sinh... Khi trẻ ra khỏi nhà, nên đeo khẩu trang (với trẻ trên 2 tuổi) để phòng bệnh.
Để tránh cho trẻ không bị muỗi đốt, làm phiền giấc ngủ của trẻ, các mẹ phải luôn cho bé mặc quần áo dài tay, đặc biệt là vào buổi tối và dùng thuốc chống muỗi trong phòng của trẻ. Ngoài ra, cũng nên thoa kem chống muỗi cho trẻ theo hướng dẫn sử dụng của bác sĩ nhi khoa. Có thể lắp màn chống muỗi chỗ giường ngủ của bé khi bé ngủ hay thiết kế lưới chống muỗi vào cửa sổ và cửa ra vào để tránh muỗi xâm nhập.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Cần chú ý cho trẻ ăn chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, cân bằng và đầy đủ các dưỡng chất, vi chất, vitamin cần thiết. Ăn chín, uống sôi để tránh mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Hạn chế tối đa việc cho trẻ ăn đồ tái, sống, sử dụng tay để cầm thực phẩm khi ăn. Cha mẹ cần lựa chọn thực phẩm tươi, sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nên cho ăn thêm hoa quả, rau xanh, tránh ăn nhiều chất béo.
Miễn 100% phí khám và tư vấn dinh dưỡng cho Trẻ tại Dr.Binh Tele_Clinic
Giữ ấm bàn chân trẻ
Gan bàn chân thường là nơi dễ bị ảnh hưởng khi ở môi trường lạnh, tác động đến hô hấp, tuần hoàn và suy giảm sức khỏe. Hãy cho trẻ đi tất, giày ấm. Trước khi ngủ cần rửa sạch và ngâm chân trong nước ấm, lau khô để ngừa cảm lạnh. Tránh để trẻ bị ướt chân vì mưa lạnh, làm khô ngay để tránh cảm lạnh. Không cho trẻ dầm mưa, không đi chân đất, tắm quá lâu hoặc mặc quần áo ẩm ướt khi trời nồm.
Vệ sinh cơ thể bé luôn sạch sẽ
Thường xuyên tắm rửa cho trẻ là bước quan trọng nhất khi chăm sóc trẻ nhỏ mùa mưa, nồm, để virus không có cơ hội tấn công bé. Các mẹ cũng nên đặt vào lưng trẻ tấm khăn xô để thấm mồ hôi, nếu sờ thấy lưng trẻ ướt thì lau lưng và rút khăn ướt ra, thay khăn khô vào để trẻ không bị mồ hôi làm nhiễm lạnh và luôn sạch sẽ, khô ráo. Vào ban đêm trẻ hay ra mồ hôi, nên có sẵn vài chiếc khăn mềm thấm nước lau mồ hôi. Lau kỹ nơi ra nhiều mồ hôi nhất như: vùng đầu, lưng, gáy, lòng bàn tay, gan bàn chân. Ngoài ra, các mẹ nên tắm cho trẻ với loại xà phòng hoặc sữa tắm trẻ em có tính sát khuẩn nhẹ hàng ngày để giúp trẻ tránh nhiễm phải các vi khuẩn gây bệnh.
Lưu ý: Cần để ý những sự bất thường của trẻ như ho, sốt cao, phát ban, quấy khóc kéo dài, mọc mụn nước, sổ mũi... để đưa đến ngay các cơ sở y tế điều trị kịp thời. Đặc biệt là phải đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc-xin phòng bệnh theo Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Ngoài ra, cần kiểm soát dấu hiệu bệnh nặng lên theo nhịp thở nhanh khi trẻ đang nằm yên, không khóc, không bú. Chú ý quan sát nhịp thở của trẻ, thông thường trẻ dưới 2 tháng, nhịp thở nhanh khi nhịp thở của trẻ trên 60 lần; 2 tháng đến 1 tuổi, nhịp thở nhanh khi trên 50 lần; trẻ trên 1 tuổi đến 5 tuổi, nhịp thở nhanh khi trên 40 lần. Trẻ sốt được điều trị nhưng không thuyên giảm, ăn uống kém, trẻ bị li bì hoặc kích thích… thì gia đình cần đưa đi cơ sở y tế.