Nhà lý luận Brian Sutto- Smith tin rằng trẻ sinh ra với tiềm năng phát triển não bộ rất lớn, nếu như tiềm năng này không được dùng đến thì nó sẽ mất đi. Chơi đồ chơi ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh và sự liên kết giữa các mạch thần kinh. Một nghiên cứu cho thấy rằng lợi ích của việc chơi đồ chơi từ lúc nhỏ có ảnh hưởng đến chỉ số IQ của trẻ 3 tuổi. Trẻ nào tiếp cận với nhiều đồ chơi đa dạng thì sẽ chơi lâu hơn và đạt mức độ cao hơn về sự thành đạt, không phân biệt chủng tộc, giới tính, tầng lớp xã hội.
Trẻ thao tác trên đồ vật đồng thời khám phá tính chất, cấu trúc của đồ vật đó, làm khả năng tư duy phát triển. Trẻ có thể học phân loại nhóm đồ vật dựa theo tính chất: số, chữ, hình dạng, kích cỡ…Theo độ tuổi, tư duy của trẻ phát triển dần dần từ trực quan, thao tác cụ thể đến trừu tượng, hành động có kế hoạch, thông qua trò chơi tưởng tượng, giả vờ, đóng kịch, sắm vai…
- Tìm hiểu thế giới xung quanh
Khi chơi trò chơi, bé sơ sinh và bé tập đi cảm nhận mọi thứ bằng cảm giác, bằng sự di chuyển của con người và những vật xung quanh. Bé cảm thấy thú vị bằng cách tự mò mẫm khám phá. Một đứa bé có thể chơi đẩy bóng đi đi lại lại nhiều lần chỉ để thấy vui. Khi trẻ lớn hơn, có nhiều kỹ năng hơn, trẻ biết phối hợp những kỹ năng đơn giản để chơi nhiều trò chơi phức tạp hơn.
Bé trước 1 tuổi thường thích chơi đồ chơi với yếu tố màu sắc, hình dáng, kích thước và mùi vị dễ thu hút cũng như tính năng mới lạ, dễ tạo ra tương tác. Ví dụ đồ chơi có màu sắc tươi sáng, tương phản dễ kích thích sự tò mò ở trẻ.
Khi 18 tháng tuổi, tầm nhìn của bé rõ ràng hơn và bé bắt đầu tìm hiểu chức năng các đồ vật. Bé cho gấu bông ăn bằng thìa hay cho búp bê uống nước với một chiếc ly rỗng. Khi trẻ khoảng 3-4 tuổi, trẻ khám phá thế giới bằng trò chơi biểu tượng, biết thay thế vật này cho vật khác. Cái mền trở thành áo choàng của siêu nhân và mảnh bìa cứng được cuộn tròn lại trở thành chiếc mũ đầu nhọn của bà phù thủy.
Những món đồ chơi trông thì rất đơn giản nhưng lại có thể khiến trẻ buộc phải suy nghĩ và hình thành nên những mối liên kết. Tùy theo độ tuổi và giới tính của trẻ mà đó có thể là búp bê, đồ chơi vải mềm, ô tô, bộ xếp hình, mô hình…Ví dụ, khi chơi với một bộ khối hình, trẻ sẽ tự rút ra được những kết luận quan trọng như khối tròn lăn được còn khối vuông thì không; hay từ vài em búp bê và thú bông, trẻ có thể cùng bạn chơi đồ hàng, chơi trò cô giáo…
- Khả năng giải quyết vấn đề
Theo Bruno Bettelheim, nhà tâm lý học trẻ em thì “Chơi cho phép trẻ giải quyết những vấn đề chưa được giải quyết trong quá khứ và đối diện với những mối quan tâm hiện tại. Chơi là công cụ quan trọng để trẻ chuẩn bị cho bản thân những nhiệm vụ trong tương lai”.
Nói cách khác, vui chơi giúp trẻ hình thành ý thức hệ để giải quyết những vấn đề mang tính trừu tượng và tổng hợp. Trẻ sẽ biết cách xâu chuỗi các hành vi lại với nhau, biết hệ thống lại ý nghĩ hoặc hành động và tạo ra các giải pháp vấn đề mới.
Các đồ chơi phục vụ cho khả năng giải quyết vấn đề của trẻ như đồ chơi xếp hình, chơi cờ domino, ghép hình, bảng học chữ và số sẽ giúp trẻ phát huy khả năng tư duy logic…
Đồ chơi có lợi cho việc phát triển thể chất :
Các chuyên gia nhi khoa cho rằng năm giác quan: thính giác, thị giác, khướu giác, vị giác, xúc giác đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển thể chất của trẻ. Bởi vì, thông qua giác quan, trẻ có thể cảm nhận, tiếp xúc và học hỏi những điều mới lạ trong cuộc sống.
Khi mới chào đời, bé chưa nhìn được nhiều, thường bé chỉ nhìn được những thứ cách 20-30 cm như khuôn mặt ghé sát của mẹ. Học viện nhi khoa Mỹ khuyến cáo, nên chọn đồ chơi, nhất là đồ chơi treo có màu sắc tương phản cho bé trong giai đoạn này. Các màu sắc tương phản mạnh gồm trắng – đỏ, trắng – đen hoặc đỏ – đen, với những đường cong và chuyển động được để kích thích thị giác phát triển ở bé. Hãy kích thích thị giác cho bé sơ sinh bằng cách treo một đồ chơi chuyển động có độ tương phản cao trên nôi (cũi) của bé.
Ngược lại với thị giác, ngay từ lúc chào đời, thính giác của bé đã phát triển khá tốt. Bé có thể nhận ra giọng mẹ ngay và sớm nhận ra giọng của người thân khác. Vài tháng đầu, bé tìm hiểu thế giới qua âm thanh tốt hơn bất kỳ giác quan nào.
Cha mẹ có thể kích thích thính giác cho bé thông qua âm nhạc và đồ chơi nhạc. Hãy bế bé rồi đu đưa trong một giai điệu nhạc nhẹ hoặc gắn những chiếc chuông nhỏ, nhẹ vào bao tay hay tất của bé. Sự kết hợp giữa đồ chơi chuyển động và phát nhạc chắc chắn sẽ thu hút bé. Khi trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể đưa cho trẻ một bức tranh động vật và mô tả tiếng kêu hót của con vật đó hoặc đọc cho trẻ những cuốn sách và dạy trẻ những bài hát đơn giản.
Chạm vào chính là cách để trẻ học hỏi. Cha mẹ không nên lo lắng vì trẻ thích chạm (sờ) vào mọi thứ là chuyện rất tự nhiên. Cha mẹ nên cho trẻ các món đồ chơi vải mềm để trẻ sờ vào. Tìm các đồ chơi bằng chất liệu, kết cấu khác nhau để trẻ được khám phá.
- Phát triển các kỹ năng vận động (vận động thô và vận động tinh)
Phát triển kỹ năng vận động thô và vận động tinh là bước phát triển song hành thứ hai cùng với việc phát triển các giác quan. Khi trẻ nhìn, ngửi, nghe, nếm hoặc sờ thấy được, các cơ vận động sẽ được kích thích và phát triển. Hầu hết các hoạt động chơi đều năng động và làm tăng các kỹ năng vận động tinh, vận động phối hợp và sự linh hoạt. Còn những trò chơi khác như đá bóng, chạy, nhảy dây…thì lại là những bài tập cần thiết cho khả năng vận động thô. Những hoạt động này đều giúp trẻ học được mối quan hệ nguyên nhân – kết quả, quy luật bảo tồn khối lượng, luật bất biến…
Các trò chơi vận động, đặc biệt là trò chơi ngoài trời cũng là cách trẻ tăng cường thể lực. Có một yếu tố mà cha mẹ cần quan tâm là không nên so sánh các trò chơi tranh đua mang tính thể lực giống với việc đánh thật và cũng không nên cho rằng đứa trẻ đó là “hung hăng” đơn giản chỉ vì chúng thích chơi một loại trò chơi nào mà chúng thích. Hãy để trẻ được chơi và cảm thấy thích thú với kiểu chơi vận động ấy. Những hoạt động này có thể góp phần làm phát triển các cơ, tăng sự vận động, cơ thể khỏe mạnh và phát triển nhận thức. Những bé gái tham gia vào các trò chơi vận động thường xuyên từ lúc nhỏ khi lớn lên có nhiều khả năng họ sẽ thích chơi thể thao. Những đồ chơi phổ biến có tác dụng thúc đẩy sự phối hợp giữa các cơ quan của cơ thể và giúp cơ thể cân bằng cũng như làm cho tay và chân chắc khỏe là chơi xếp hình, xe đạp, đồ chơi thể thao (bóng rổ, bóng đá, bóng bàn, đồ dùng cho bơi lội), đồ chơi vận động ngoài trời (dây nhảy, diều, lưới nhảy).
- Khả năng phối hợp tay và mắt
Đây là kỹ năng phối hợp giữa thị giác và kỹ năng vận động tinh. Các kỹ năng thể chất và sự phối hợp chính xác với tay và mắt được phát triển thông qua những lúc trẻ cầm nắm đồ vật, vươn tay để với lấy, cầm – nắm, đập – lắc, kéo – đẩy, quăng – nhặt, ném – chụp, bò lê, chạy nhảy, leo trèo, tô vẽ – viết chữ và cân bằng cơ thể. Thông qua đó, sự khéo léo được phát triển thông qua cách điều khiển các đồ vật của trẻ trong khi chơi.