Từ ngày 1/7, lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành). Theo đó, phí đóng bảo hiểm y tế sẽ tăng khi lương cơ sở mới chính thức được áp dụng. Cụ thể, mức đóng bảo hiểm y tế mỗi tháng của người dân có thể tăng từ 6.000 -14.000 đồng so với hiện tại.
Theo Nghị định 146 của Chính phủ, mức đóng bảo hiểm y tế được tính bằng 4,5% mức lương cơ sở hoặc lương hưu hay trợ cấp thất nghiệp. Nếu theo hộ gia đình, người thứ nhất đóng như mức trên, người thứ 2, thứ 3, thứ 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức phí của người thứ nhất. Người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức của người thứ nhất.
Từ ngày 1/7, phí đóng bảo hiểm y tế sẽ tăng khi lương cơ sở mới chính thức được áp dụng.
Hiện nay, mức lương cơ sở vẫn được áp dụng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP là 1.490.000 đồng/tháng. Trong trường hợp người dân thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tham gia bảo hiểm y tế trước ngày 01/7/2023 sẽ được áp dụng mức đóng bảo hiểm y tế theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng. Đồng nghĩa với việc người dân sẽ được giảm số tiền đóng bảo hiểm y tế (không phải đóng bù số tiền chênh lệch) cho thời gian tham gia bảo hiểm y tế từ tháng 7/2023 đến tháng cuối cùng của phương thức đóng).
Cụ thể, mức đóng bảo hiểm y tế gia đình theo tháng là: Người thứ nhất 67.050 đồng; người thứ 2 là 46.935 đồng; người thứ 3 là 40.230 đồng; người thứ 4 là 33.525 đồng, người thứ 5 là 26.820 đồng. Từ ngày 1/7, các mức đóng bảo hiểm y tế trên sẽ tăng tương ứng là 81.000 đồng, 56.700 đồng, 48.600 đồng, 40.500 đồng và 32.400 đồng. Như vậy, khi tăng lương cơ sở, mức đóng bảo hiểm y tế của người thứ nhất tăng cao nhất, thêm khoảng 14.000 đồng một tháng, người thứ 5 trở đi tăng khoảng 6.000 đồng một tháng.
Việc tham gia bảo hiểm y tế trước thời điểm tăng lương cơ sở (tháng 7/2023) theo phương thức đóng quy định cho những tháng tham gia bảo hiểm y tế (sau tháng 6/2023), người dân sẽ không phải đóng bù phần chênh lệch do tăng lương cơ sở. Đây cũng là một trong những ý nghĩa nhân văn của chính sách Bảo hiểm y tế; thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với Nhân dân.
Người dân tham gia bảo hiểm y tế vừa thể hiện trách nhiệm của mình, đồng thời để được hưởng những chính sách của Nhà nước về hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tham gia bảo hiểm y tế giúp hạn chế rủi ro về tài chính cho bản thân, gia đình, đồng thời chia sẻ bớt khó khăn cho cộng đồng nếu một ai đó không may mắc bệnh.
Từ năm 2023, nhiều chính sách mới về bảo hiểm y tế có hiệu lực, như người thân nhận hộ thẻ không cần sổ hộ khẩu, một số nhóm có thể đăng ký mua thẻ qua Cổng dịch vụ công... Việc đăng ký đóng, cấp thẻ trên Cổng dịch vụ công quốc gia áp dụng cho người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình; người được ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ nông lâm ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến cuối năm 2022 có khoảng 91,1 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số, tăng hơn 2,2 triệu người so với năm 2021 tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng 0,3% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Mỗi năm Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả từ 100.000 đến 105.000 tỷ đồng cho việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, trong đó rất nhiều trường hợp người bệnh được chi trả lên tới nhiều tỷ đồng/năm. Ngoài việc chi trả chi phí khám chữa bệnh thông thường, Quỹ Bảo hiểm y tế còn chi trả cho nhiều người mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính như: Hemophilia (bệnh rối loạn đông máu di truyền), ung thư, tim mạch, suy thận...