Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là một trong những ngày lễ trọng đại của dân tộc mà đây còn là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn với các vị vua Hùng có công xây dựng và bảo vệ đất nước.
Ngày
Giỗ Tổ Hùng Vương hay còn gọi là “Lễ hội Đền Hùng” là một ngày lễ lớn của người Việt Nam, là ngày để tất cả mọi người đều tận hưởng được giá trị của sự bình yên và sự hi sinh của những người đã có công cùng các Vua Hùng dựng nước và giữ nước.
Mặc dù đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử, với nhiều biến động thăng trầm nhưng truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt không bao giờ thay đổi. Giỗ Tổ Hùng Vương chính là một minh chứng hùng hồn cho điều đó.
Như Bác Hồ đã từng viết: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước". Truyền thống dựng nước và giữ nước từ nghìn đời xưa luôn được thế hệ người Việt giữ gìn và kế thừa.
Nhân dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất non sông một dải 30/4, chúng ta càng thêm tự hào về nguồn gốc "Con Rồng Cháu Tiên" của người Việt.
"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ Ngày Giỗ tổ mùng 10 tháng 3"
Nguồn gốc của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương
Truyền thuyết "Con Rồng cháu Tiên" kể lại rằng: Kinh Dương Vương sinh một con trai, sau nối ngôi vua cha niên hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở ra một trăm người con là tổ tiên của người Bách Việt. Một hôm vua Lạc Long Quân bảo bà Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”.
Vì vậy, 50 người con theo mẹ lên núi, 50 người con theo cha về miền biển. Lạc Long Quân phong cho con trưởng Hùng Vương nối ngôi, làm vua. Trải qua 18 đời, Hùng Vương thứ 18 đã nhường ngôi cho Thục Phán - An Dương Vương.
Để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa, vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, chọn ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Đến thời nhà Nguyễn - năm Khải Định thứ 2 chính thức chọn ngày 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắc nhở mọi người Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng Tổ tiên.
Ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch chính là nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, công ơn của những người đi trước. Hàng năm, cứ vào ngày này thì người dân Việt Nam dù đang ở đâu cũng cùng nhau hướng về cội nguồn dân tộc.
Kể từ năm 2007, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức công nhận Giỗ tổ Hùng Vương là Quốc lễ. Từ đó, ngày này có ý nghĩa đặc biệt hơn với con dân người Việt.
Nghi thức tế lễ Giỗ Tổ Hùng Vương
Vì ý nghĩa của ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 là đặc biệt quan trọng nên những nghi thức được tiến hành khá cầu kỳ. Khi tế lễ Hùng Vương thường có âm nhạc, lễ vật, một ban tế lễ gồm những người có chức sắc được làm chủ tế.
Ngoài ra trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương người ta thường trang trí thêm cờ xí, nhạc lễ, phẩm phục, phẩm vật tế lễ. Những loại phẩm vật thường dùng là bò, dê, heo, hoa quả, bánh chưng, bánh giầy, xôi, chè, kẹo,…
Vào dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương, bạn có thể đến thăm Đền Hùng ở Phú Thọ để tướng nhớ các vị Vua Hùng và giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Lễ Giỗ tổ thường gồm 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm:
- Lễ rước kiệu: Gồm có nhiều cờ, lọng, hoa, kiệu và trang phục truyền thống đầy màu sắc. Từng đoàn rước kiệu xuất phát từ dưới chân núi, rồi đi qua các đền để đến Đền Thượng.
- Lễ tế và dâng hương tại Đền Thượng: Thực hiện lễ cúng tế sau đó, mỗi người đều thắp lên đền vài nén hương để cầu nguyện tâm niệm của mình với tổ tiên, vì mỗi nắm đất và gốc cây nơi này đều linh thiêng.
Sau khi phần lễ tiến hành xong thì phần hội sẽ được bắt đầu với nhiều trò chơi dân gian khác nhau được tổ chức như thi hát xoan, thi vật, bơi chải (ở ngã ba sông Bạch Hạc), kéo co...