1. Thế nào là hành vi xâm hại trẻ em?
Bất kỳ hành động nào có chủ đích làm tổn thương hay gây nguy hại cho trẻ đều là hành vi xâm hại trẻ em. Có 4 hình thức xâm hại trẻ em, đó là: Xâm hại tình dục, xâm hại xao nhãng, xâm hại thể chất và xâm hại tinh thần.
2. Một số biện pháp giúp trẻ phòng tránh bị xâm hại
Để bảo vệ trẻ tránh bị xâm hại, phụ huynh cần phối hợp với nhà trường trong việc dạy trẻ các phương pháp phòng tránh. Cùng điểm qua một số phương pháp phòng tránh xâm hại trẻ em dưới đây.
2.1. Dạy trẻ về các quy tắc vàng phòng chống xâm hại
Dưới đây là một số quy tắc vàng giúp phòng tránh xâm hại trẻ em, bố mẹ có thể tham khảo.
Quy tắc thứ nhất: Quy tắc bàn tay
Để hạn chế khả năng trẻ bị xâm hại, bố mẹ cần dạy cho bé quy tắc bài tay trong giao tiếp, cụ thể là:
- Ngón tay cái (Ôm hôn): Đây là hành động chỉ những người thân trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột mới dùng.
- Ngón tay trỏ (Khoác tay hoặc nắm tay): Đây là hành động với thầy cô, bạn bè, họ hàng.
- Ngón tay giữa (Bắt tay): Khi gặp người quen của trẻ.
- Ngón áp út (Vẫy tay): Nếu trẻ gặp người lạ.
- Ngón tay út (Xua tay): Để phòng tránh xâm hại trẻ em, bố mẹ hãy dạy bé cách xua tay và không được tiếp xúc nếu không cần thiết.
-
Quy tắc thứ hai: Quy tắc 4 vòng tròn
Đây là quy tắc thể hiện rõ mối quan hệ, mức độ hành vi được làm và không được làm với trẻ. Phụ huynh cần dạy cho bé biết giữ khoảng cách và ứng xử một cách lịch sự.
- Vòng tròn màu xanh dương ở giữa thể hiện cho bố mẹ đẻ. Là những người sinh thành, chăm sóc và dạy dỗ bé, vì thế được phép chạm vào một số bộ phận trên cơ thể bé, ngoại trừ khu vực nhạy cảm.
- Vòng tròn màu xanh lam đại diện cho người nhà là ông bà, anh chị em… Là những người chỉ được cầm tay của con, hạn chế chạm vào những bộ phận khác.
- Vòng tròn màu xanh đen tượng trưng cho hàng xóm, bạn bè… Với những đối tượng này chỉ nên cho con bắt tay khi được yêu cầu. Tuyệt đối không cho chạm vào bất cứ bộ phận nào khác.
- Vòng tròn màu đỏ, đây là khu vực dành cho người lạ. Cần dặn trẻ tuyệt đối không được đến gần, cần xua tay khi cảm thấy đứng quá gần mình và có thể chạy trốn nếu cần thiết.
-
2.2. Dạy trẻ về giới tính và các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể
Bố mẹ nên dạy cho trẻ những kiến thức liên quan đến giới tính và cách bộ phận nhạy cảm có trên cơ thể, ví dụ như miệng, ngực, vùng ở giữa hai bên đùi, mông. Đây là một trong những kỹ năng quan trọng giúp phòng tránh xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, bố mẹ nên hướng dẫn cho trẻ hiểu và nhận thức được rằng những bộ phận nhạy cảm đó là của riêng trẻ và tuyệt đối không được cho bất kỳ ai sờ mó hay đụng chạm.
2.3. Dạy trẻ không được để người khác chạm vào vùng nhạy cảm của cơ thể
Bố mẹ nên dạy cho bé cách để bảo vệ cơ thể, tuyệt đối không được cho bất kỳ ai ôm ấp, vuốt ve hay đụng chạm vào khu vực nhạy cảm. Đồng thời, hãy hướng dẫn cho bé cách chống lại hoặc hành động để từ chối nếu có ai đó cố tình đụng chạm làm cho trẻ cảm thấy khó chịu. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần căn dặn trẻ không được tự ý động chạm vào khu vực nhạy cảm của bất kỳ ai, vì điều này thể hiện phép lịch sự tối thiểu.
2.4. Khuyến khích trẻ chia sẻ về các hoạt động hàng ngày
Trong một số trường hợp, trẻ thường bị kẻ xấu đe dọa, làm cho trẻ sợ hãi và không dám nói với bất kỳ ai. Do đó, bố mẹ cần phải trò chuyện, tâm sự với bé thường xuyên. Bố mẹ cần tiến hành công tác tư tưởng với trẻ, hỏi han về các hoạt động ngày thường của trẻ, từ đó nhận được sự tin tưởng của trẻ.
Đồng thời, bố mẹ cần để bé cảm thấy an toàn, hãy để bé biết rằng bố mẹ sẽ luôn ở cạnh và đồng hành cùng bé. Vì thế, bé có thể tâm sự với bố mẹ tất cả những gì mà bé đã gặp phải. Đặc biệt, khi bị người xấu đe dọa, thay vì sợ hãi và im lặng trẻ cần mạnh dạn kể cho bố mẹ biết để có thể nâng cao cảnh giác, bảo vệ trẻ tốt hơn.
2.5. Dạy trẻ kỹ năng ứng xử với người lạ
Không đi theo hay nghe lời người lạ
Phụ huynh cần dạy trẻ hành động như đá, chạy trốn, la lên thật to, cắn, cào… để phản kháng lại khi có người lạ tiếp cận. Đây là một trong những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em cần thiết mà các bậc phụ huynh không nên bỏ qua. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên dạy trẻ cách nhờ sự trợ giúp từ những người đáng tin cậy ở xung quanh trẻ, ví dụ như chú cảnh sát, chú bảo vệ…
Không cho người lạ vào nhà
Bố mẹ nên dạy cho trẻ không được cho người lạ bước vào nhà trong khi bố mẹ đi vắng, cho dù đó có là bạn bè thân thiết của bố mẹ, hàng xóm hay thợ sửa chữa. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần dạy cho bé ghi nhớ số điện thoại của gia đình, đặc biệt là bố mẹ. Bố mẹ hãy hướng dẫn cho bé hỏi rằng “cho con/cháu hỏi là có ai đang ở ngoài đó không ạ?” nếu như bé không nhìn thấy ai thông qua ống nhìn trên cửa. Trong trường hợp này, bé không được mở cửa mà ở yên trong nhà đợi bố mẹ về. Bé cần tìm cách liên lạc cho bố mẹ hoặc người thân qua số điện thoại nếu người lạ vẫn tiếp tục gõ cửa và tìm cách để vào nhà.
2.6. Dạy trẻ kỹ năng xử lý khi gặp phải tình huống nguy hiểm
Tâm lý trẻ em thường không ổn định và còn rất non nớt. Vì vậy, trẻ rất ngại khi phải từ chối người khác, đặc biệt là đối với bạn bè hay những người lớn tuổi hơn. Những yếu tố này sẽ khiến cho trẻ trở thành đối tượng nhắm đến của kẻ xấu. Chính vì vậy, bố mẹ cần dạy cho trẻ cách giao tiếp, phản ứng phù hợp để thoát khỏi những trường hợp bất lợi. Để bé dễ hình dung và tiếp thu tốt hơn bố mẹ có thể thiết lập một tình huống giả định.