Nhiều năm trở lại đây, các bậc phụ huynh dần chú trọng nhiều hơn đến việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ kể từ khi còn bé. Việc luyện tập những kỹ năng tự phục vụ giúp trẻ hạn chế phụ thuộc vào người lớn và có thể thực hiện một số hoạt động tự chăm sóc bản thân. Trong đó, dạy trẻ vệ sinh cá nhân là điều mà rất nhiều bố mẹ quan tâm và cần được hướng dẫn để dạy con đúng cách.
1. Tại sao cần phải dạy trẻ vệ sinh cá nhân đúng cách?
Hầu hết các phụ huynh đều muốn con trẻ luôn được sạch sẽ để hạn chế khả năng bị nhiễm khuẩn hoặc lây bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh việc quan sát và chăm sóc con, ba mẹ nên dạy trẻ một vài hoạt động tự vệ sinh cá nhân phù hợp với độ tuổi. Bởi vì, phần lớn trẻ nhỏ thường có xu hướng ngậm tay, ngậm đồ chơi, thích sờ mó vào nhiều đồ vật nhưng điều này lại vô tình tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công, phát triển và gây bệnh.
Ba mẹ nên dạy trẻ về việc nếu sống trong môi trường mất vệ sinh hoặc để cơ thể bị dơ bẩn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi trẻ ý thức được điều đó, phụ huynh có thể định hướng và dạy trẻ vệ sinh cá nhân đúng cách để tránh xa các mầm bệnh, bảo vệ sức khỏe của mình. Đặc biệt, việc trang bị những kỹ năng giữ gìn vệ sinh thân thể là rất cần thiết cho trẻ trước khi bước vào độ tuổi đi học. Bởi vì trường học là nơi có nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao, nếu trẻ biết cách vệ sinh cá nhân và bảo vệ sức khỏe sẽ giúp hạn chế khả năng bị lây bệnh.
Vệ sinh cá nhân để hạn chế bị vi khuẩn tấn công
Ngoài ra, việc dạy trẻ vệ sinh cá nhân từ khi còn bé cũng giúp hình thành thói quen tốt và là nền tảng cho trẻ duy trì mãi về sau. Nhiều phụ huynh có suy nghĩ bao bọc con, không dám cho con tự thử sức vì sợ con làm không được. Tuy nhiên, bố mẹ có thể bắt đầu dạy trẻ từ những việc cơ bản nhất và dần dần nâng cao kỹ năng phù hợp khả năng, độ tuổi của con.
2. Một số thói quen cần rèn luyện cho trẻ để giữ gìn vệ sinh cá nhân
Nhiều bố mẹ ý thức được việc dạy trẻ vệ sinh cá nhân sẽ giúp con tự bảo vệ sức khỏe của mình nhưng không biết bắt đầu dạy con từ đâu. Thực tế, ba mẹ có thể giáo dục con thông qua những hoạt động sinh hoạt hằng ngày, dạy con từ những điều đơn giản nhất và nâng cao kỹ năng dần dần. Sau đây là một số thói quen bố mẹ nên dạy trẻ từ khi còn nhỏ để nâng cao sức khỏe, tạo điều kiện thuận lợi để cơ thể phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần:
2.1. Thường xuyên rửa tay
Bàn tay là một trong những bộ phận của cơ thể tham gia vào nhiều hoạt động sinh hoạt trong đời sống hằng ngày, bao gồm cả việc ăn uống, vệ sinh, vui chơi, học tập,… Do đó, việc giữ gìn vệ sinh bàn tay là rất cần thiết vì khi bàn tay bị bẩn sẽ làm gia tăng nguy cơ lây truyền vi khuẩn, virus, ký sinh trùng. Chẳng hạn như trẻ đi vệ sinh xong nhưng không rửa tay sạch và tiếp tục ăn uống thì khả năng vi khuẩn sẽ bám vào thức ăn, xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống và gây bệnh.
Rửa tay thường xuyên để loại bỏ vi khuẩn
Do đó, bố mẹ nên dạy trẻ cần phải rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trong những trường hợp sau đây:
-
Sau khi đi vệ sinh, bao gồm cả tiểu tiện và đại tiện vì môi trường bên trong nhà vệ sinh là nơi có khả năng trú ngụ của nhiều vi khuẩn, virus.
-
Sau khi nắm hoặc tiếp xúc với những đồ vật dơ bẩn, chẳng hạn như rát.
-
Sau khi chơi xong.
-
Sau khi hắt xì, ho hoặc chảy mũi.
-
Sau khi tiếp xúc với động vật hoặc dọn chuồng cho động vật, thú nuôi của gia đình.
-
Trước khi cầm, tiếp xúc với thức ăn hoặc trước các bữa ăn.
-
Trước khi chạm vào em bé.
-
Trước và sau khi tham gia chế biến thực phẩm.
2.2. Vệ sinh răng miệng
Đối với trẻ khoảng 2 tuổi, ba mẹ nên tập cho trẻ tự vệ sinh răng miệng bằng bàn chải của trẻ em. Việc vệ sinh răng miệng không chỉ giúp trẻ hình thành thói quen vệ sinh cá nhân mà còn giúp trẻ loại bỏ những vi khuẩn bên trong miệng. Thực tế, trẻ nhỏ thường uống sữa nhiều, thích ăn những loại bánh kẹo ngọt và đó là những thực phẩm thường khiến trẻ dễ bị sâu răng nếu không được vệ sinh răng miệng đúng cách mỗi ngày.
Để xây dựng kỹ năng bảo vệ sức khỏe răng miệng cho trẻ, trước tiên ba mẹ nên hướng dẫn trẻ những kỹ thuật sử dụng bàn chải và các bước đánh răng cơ bản. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần lý giải cho con hiểu vì sao cần phải đánh răng, nếu lười đánh răng có thể gặp phải những vấn đề gì để giúp trẻ hiểu và hợp tác cùng bố mẹ.
Dạy trẻ vệ sinh cá nhân để tự chăm sóc bản thân
2.3. Giữ đôi chân sạch sẽ và giày dép khô ráo
Ngoài tay thì chân cũng là bộ phận dễ dàng tiếp xúc với vi khuẩn, bụi bẩn. Bên cạnh đó, tình trạng hôi chân do mồ hôi tiết ra nhiều, giày dép ẩm ướt cũng làm tăng nguy cơ tích tụ nhiều vi khuẩn cho đôi chân. Do đó, bố mẹ nên dạy trẻ giữ đôi chân sạch và giày dép khô ráo để hạn chế nguy cơ bị thương hoặc nhiễm khuẩn. Một số điều bố mẹ lưu ý nhắc nhở trẻ khi định hướng trẻ bảo vệ đôi chân sạch sẽ cũng như dạy trẻ vệ sinh cá nhân đúng cách là:
-
Rửa chân sau khi đi ra ngoài về hoặc khi chân tiếp xúc với đồ vật, nền đất dơ bẩn.
-
Nên rửa bàn chân bằng xà phòng và vệ sinh kỹ các kẽ ngón chân, móng chân và lòng bàn chân.
-
Sau khi rửa chân xong nên sử dụng khăn khô để lau chân.
-
Không để giày, dép bám bụi bẩn hoặc ẩm ướt.
-
Không sử dụng tất bẩn hoặc giày dép dơ, không không ráo.
Dạy trẻ giữ đôi chân và giày dép được sạch sẽ