Làm thế nào để dạy trẻ hiểu và biết rộng lượng với người khác và mọi thứ xung quanh? Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta tìm hiểu rõ hơn về cách để dạy trẻ rộng lượng.
Trẻ mẫu giáo đang trong quá trình trở thành một cá thể độc lập hơn trong xã hội này. Tình bạn trở nên quan trọng và các hoạt động nhóm là trò tiêu khiển mà trẻ yêu thích. Điều này có nghĩa là con bạn sẽ có những khoảnh khắc tỏ ra rất hào phóng, chẳng hạn như trẻ và bạn của con thay phiên nhau xúc cát hoặc chia sẻ bánh quy của mình nhưng những hành động này sẽ không nhất quán và sẽ không luôn xảy ra khi bạn muốn.
Tuy nhiên, sự mâu thuẫn này là hoàn toàn bình thường. Trẻ mẫu giáo vẫn nghĩ đến bản thân mình đầu tiên. Trẻ cũng coi trọng tài sản cá nhân nên không dễ dàng chia sẻ với bạn khác. Paul Coleman, một nhà tâm lý học, nhà trị liệu gia đình và là tác giả cuốn sách How to Say It to Your Kids cho biết: Đối với chúng ta, đồ chơi đơn thuần chỉ là một món đồ, nhưng đối với trẻ thì đồ chơi chính là món đồ thuộc sở hữu của trẻ .
Khi trẻ rộng lượng với người khác, bạn nên dành những lời khen ngợi nhất định cho trẻ. Đó cũng cách hiệu quả để dạy trẻ học cách chia sẻ.
Bạn cần thể hiện sự rộng lượng: Dạy học bằng cách cho trẻ nhìn thấy những hành động của bạn là cách hiệu quả nhất để tác động đến hành vi của trẻ mẫu giáo. Vì vậy, trong bữa trưa, bạn có thể nói với bạn đời của bạn rằng, "Em muốn ăn một miếng bánh sandwich của anh không? Để anh chia sẻ với em." Chia sẻ một hoạt động vui nhộn cũng sẽ dễ để lại ấn tượng với trẻ, chẳng hạn như “ mẹ đang tưới cây, có có muốn chia sẻ cùng mẹ không?” Bạn càng sử dụng nhiều từ "chia sẻ", trẻ sẽ sớm biết được nghĩa của nó.
Trò chuyện về mong muốn và nhu cầu của người khác: Wayne Dosick, một giáo sĩ Do Thái và là tác giả của Quy tắc vàng: Mười giá trị đạo đức mà cha mẹ cần dạy con cái nói: “Bạn đang cố gắng giúp trẻ hòa nhập với xã hội . Vì vậy, khi trẻ nhỏ nói với bạn rằng, "Con muốn sữa sô cô la!" khi đang trong cửa hàng tạp hóa, bạn có thể trả lời, "Được rồi, đó là những gì con muốn. Bây giờ, con nghĩ xem bố sẽ thích gì nhỉ? Chúng ta nên mang món gì về nhà cho bố?"
Bạn đang dạy cho con nhận biết nhu cầu của người khác một cách nhẹ nhàng nhất nhưng lại rất có hiệu quả.
Dạy cho trẻ biết rằng việc chia sẻ đôi lúc chỉ là tạm thời: Trẻ sẽ cảm thấy tốt hơn khi biết rằng một người bạn khác đang dùng đồ chơi của mình và bạn vẫn lấy lại được. Vì vậy, hãy giải thích với trẻ rằng"Hiện giờ bạn chỉ mượn con búp bê của con thôi. Bạn ấy sẽ không mang nó về nhà đâu."
Cho trẻ thấy bạn không chấp nhận sự ích kỷ: Những lời khiển trách kịp thời và nhất quán, nhưng không gay gắt, sẽ dạy cho trẻ về lập trường của bạn đối với sự rộng lượng. Tuy nhiên, đừng phạt trẻ hoặc quát nạt trẻ khi trẻ không chia sẻ với người khác. Nó có thể chỉ khiến trẻ trở nên tức giận hơn.
Khen ngợi: Hãy dành lời khen ngợi cho trẻ khi con chia sẻ đồ của mình cho bạn khác. Trẻ sẽ cảm thấy rất vui vì đã làm hài lòng bạn và cuối cùng trẻ học được cách rộng lượng một cách tự nhiên.
Trẻ không cần thiết phải chia sẻ một số món đồ mà trẻ yêu thích: Thật không dễ dàng để trẻ chia sẻ mọi thứ. Trẻ có thể dễ dàng học cách chia sẻ hơn nếu trẻ biết rằng một vài món đồ yêu thích chỉ dành cho trẻ. Bạn nên cất một số món đồ mà trẻ rất yêu thích, chẳng hạn như đôi giày mới hoặc con thú bông, khi có một người bạn nhỏ đến nhà chơi. Nói với con rằng con không cần phải chia sẻ chúng vì chúng đặc biệt, nhưng hãy giải thích rằng tất cả những đồ chơi khác của con sẽ dành cho cả hai cùng chơi.
Hãy để trẻ học hỏi từ các bạn cùng trang lứa: Cách tốt nhất để trẻ học cách chia sẻ là để trẻ học từ những người bạn - và trẻ cũng sẽ làm như vậy! Cố gắng không tham gia vào mọi cuộc chiến tranh giành đồ chơi; cuối cùng trẻ cũng sẽ học được cách thỏa hiệp khi chúng nhận ra rằng hành vi ích kỷ khiến những người bạn cùng chơi rời xa trẻ.
Hãy tìm những lý do đằng sau sự “ keo kiệt” của trẻ”: Nếu việc chia sẻ vẫn là một trở ngại lớn đối với con bạn, hãy xem xét các vấn đề khác trong cuộc sống của trẻ. Rất có thể có một vài nguyên nhân khiến trẻ trở nên như vậy, chẳng hạn như gia đình bạn chuyển đến nơi ở mới, trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo, hay một con vật mà trẻ yêu thích gần đây đã bị chết. Đôi khi một đứa trẻ sẽ phản ứng với những sự thay đổi bằng cách giữ chặt hơn những đồ vật mà trẻ sở hữu. Trong trường hợp đó, hãy cố gắng đừng nản lòng. Hãy cho trẻ thời gian và hỗ trợ trẻ khi cần thiết.