Ý định giúp đỡ người khác là một điều rất đáng quan tâm và cần được nuôi dưỡng từ khi trẻ còn nhỏ. Trong những năm bé còn ở lứa tuổi mầm non, việc giúp cha mẹ làm việc nhà được coi là một trong những dụng cụ hỗ trợ đào tạo khả năng ghi nhớ và khắc phục một số những hạn chế khác của trẻ như: thiếu tập trung, thiếu kiên nhẫn, mải chơi, không quan tâm đến người thân, ỷ lại,... Nếu bạn có ý định giúp bé rèn luyện kỹ năng này, bạn có thể tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ bằng cách đồng ý cho con tự làm một số công việc nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi. Điều tất nhiên là bạn phải luôn để mắt đến bé, giúp bé vừa được làm, vừa được học, vừa được trải nghiệm trong một môi trường an toàn nhất.
Một số mẹo dạy bé làm việc nhà
Trẻ nên được khuyến khích làm việc nhà từ sớm, thậm chí từ lúc 12 tháng tuổi. Ở độ tuổi này, trẻ rất tò mò, muốn tham gia làm mọi thứ, kể cả việc bắt chước người lớn làm việc nhà. Tuy vậy, bé sẽ tự ý giúp bố mẹ và thường gây rối nhiều hơn là hữu ích. Vì thế, bố mẹ lưu ý phải kiềm chế việc la mắng, chê trách, cứ để trẻ tham gia một cách tự nhiên. Ngay từ lúc này bạn có thể giúp bé cùng tìm hiểu về các chi tiết, đồ vật, phân biệt các loại rau, củ, quả...
Biến việc nhà thành trò chơi
Với con trẻ, không gì thích thú hơn mọi thứ đều là trò chơi. Bố mẹ có thể cùng đóng vai, chơi với con tạo cho con có thói quen làm việc nhà. Bạn có thể giả vờ mình là chú cún con trong rạp xiếc, một con robot trong phim hành động, một siêu nhân trong truyện tranh để lượm rác, thu dọn búp bê, xe tăng.
Trẻ rất giàu tưởng tượng và chấp nhận những tưởng tượng dễ dàng. Bạn hãy để cho trẻ được tưởng tượng chiếc thùng rác là một con thú đang đói ăn, đôi giày là con ngựa chinh chiến đường xa cần phải được tắm rửa và nghỉ ngơi... Hãy sáng tạo những công cụ mới dành cho việc thu dọn. Phổ biến nhất có lẽ là sử dụng những chiếc xe đồ chơi để chất hàng hóa mang đi cất...
Khen ngợi kịp thời
Việc khen ngợi cần được xem như hành động công nhận trẻ đã hoàn thành công việc nào đó, cho dù chúng chỉ hoàn thành ở mức sơ sài nhất, đơn giản nhất. Hãy đưa ra những lời nhận xét tích cực sau mỗi việc mà trẻ đã làm, cần hạn chế việc dùng những từ khen ngợi quá đáng cho một hành động đơn giản sẽ làm phản tác dụng, thay vào đó là những lời động viên tích cực như: con đánh răng sạch quá, miệng con rất thơm vì con đã đánh răng, cảm ơn con vì đã lau bàn ăn, lấy chén bát giùm mẹ, cảm ơn con vì đã xách đồ cho mẹ, con đi vệ sinh đúng nơi quy định rồi đó, hôm nay con xếp áo quần ngay ngắn quá, kệ dép nhà mình gọn gàng là nhờ con đấy nhé.
Ngoài ra, có thể động viên trẻ bằng các phần thưởng vật chất như con tự ăn cơm mẹ sẽ cho đi công viên, tự đi dép mẹ sẽ cho đi siêu thị chơi, và đặc biệt không nên khuyến khích trẻ bằng tiền vì làm cho trẻ hiểu không đầy đủ về giá trị của lao động. Hãy khoe các thành tích của bé với mọi người, khen ngợi khi con bắt đầu làm tốt và tỏ ra tự hào khi bé sắp thành người lớn để chúng có động lực cố gắng hơn. Làm như thế sẽ giúp bé sớm có tính tự lập và không dựa vào cha mẹ.
Phân công công việc cho từng thành viên
Trong gia đình nên phân công công việc cho từng thành viên để bé hiểu rằng mỗi người đều có trách nhiệm với công việc và hình thành thói quen làm việc, tính tự lập từ sớm. Bạn có thể giao cho bé nhiệm vụ lau bàn ăn, lấy chén bát ăn cơm, sắp xếp kệ dép gọn gàng mỗi ngày, xách những túi nhỏ khi đi siêu thị, … và nhắc nhở bé làm thường xuyên để hình thành thói quen tốt nhé. Khi bé đã quen việc rồi mỗi khi chuẩn bị dọn cơm dù đang chơi đùa hay làm việc gì bé cũng sẽ chạy tới phụ bố mẹ lau bàn ăn, lấy chén bát ngay đấy.
Gợi ý việc nhà cho trẻ theo từng độ tuổi