Phương pháp giáo dục lòng nhân ái cho trẻ mầm non
Trẻ từ 4 – 5 tuổi đã có thể hiểu được những gì người lớn dạy, do đó cha mẹ có thể áp dụng các phương pháp giáo dục lòng nhân ái cho trẻ mầm non thông qua những câu chuyện hoặc qua những va chạm thực tế trong cuộc sống.
Dạy trẻ lòng nhân ái qua các câu chuyện
Ba mẹ hãy dành thời gian đọc cho con nghe những mẩu chuyện có ý nghĩa, có nhân vật giàu lòng nhân ái như truyện cổ tích Truyền Thuyết Hoa Thủy Tiên, Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn, Bác Thợ Giày và Hai Chú Tí Hon,… Qua đó, cha mẹ dạy trẻ rằng tình yêu thương và lòng nhân ái có mặt ở mọi nơi, mọi thời đại không phân biệt người thân hay kẻ lạ, lòng nhân ái là vô bờ bến. Cha mẹ cũng qua đó để trẻ thấy được sức mạnh của lòng nhân ái, nó có thể lan tỏa khắp nơi và có thể tạo thành sức mạnh vượt qua các khó khăn, trắc trở. Từ đó hình thành cho trẻ những suy nghĩ và cách ứng xử đúng đắn trong cuộc sống.
Dạy trẻ lòng nhân ái qua thực tế cuộc sống
Ngoài cách giáo dục lòng nhân ái cho trẻ mầm non bằng những câu chuyện sách vở, người lớn cũng nên đầu tư, quan tâm và dạy cho trẻ hình thành lòng nhân ái thông qua các hoạt động thực tế thường ngày. Đồng thời, trẻ nhỏ ở lứa tuổi mầm non thường có xu hướng quan sát và bắt chước theo hành động của bố mẹ. Do đó, cha mẹ cũng nên thường xuyên thể hiện những hành động nhân ái với mọi người xung quanh, trở thành hình mẫu tốt để con noi theo.
Yêu thương người thân
Ở nhà và bên cạnh người thân là nơi trẻ có thể tự tin nhất trong các hành động của mình. Những việc nhỏ như giúp mẹ nhặt rau, xách đồ hộ ông bà, bật quạt giúp bố,… sẽ giúp trẻ biết quan tâm, thông cảm và sẻ chia với mọi người.
Giúp đỡ người già
Ba mẹ hãy dạy trẻ cách giúp đỡ ông bà, người lớn tuổi bằng những vừa sức mình như đọc báo cho ông bà nghe, giúp bà xâu kim,… Xa hơn nữa, cha mẹ có thể dạy bé nhường ghế cho người già khi đi xe buýt, cầm tay người già qua đường,…
Nhường nhịn em nhỏ
Lòng nhân ái thể hiện là khi giúp đỡ những người nhỏ hơn mình như các em nhỏ xung quanh. Thông qua việc nhường nhịn, yêu thương các em ví dụ như chơi cùng em, nhường đồ chơi cho em, nhường em phần bánh to hơn,… trẻ sẽ thấy được tầm quan trọng của mình, thấy được những việc làm ý nghĩa và tự hào hơn khi nhận được những lời cảm ơn và vì mình đã giúp đỡ được những người khác.
Tham gia cách hoạt động từ thiện
Các hoạt động từ thiện là ví dụ thực tiễn nhất cho trẻ thấy được các việc làm giàu lòng nhân ái và vô cùng ý nghĩa. Cha mẹ có thể khuyến khích con gom quần áo cũ, những món đồ chơi, những quyển sách cũ,… để đem đến nơi làm từ thiện, phân phát cho những người khó khăn. Hoặc khi cùng con dạo phố, thay vì tự cho tiền người ăn xin bên đường ba mẹ hãy nhờ con làm việc đó, để trẻ tự mình biết cách quan tâm giúp đỡ người khác có hoàn cảnh kém may mắn.