1. Từ 2,5 - 3 tuổi trở lên khi con tự đi vệ sinh được, đưa ra nguyên tắc “KHÔNG NHÌN, NGÓ” con trong lúc đang đi vệ sinh để bé biết rằng đó cũng là một việc riêng tư cần được tôn trọng.
2. Nếu bố mẹ đi công tác phải để con ở nhà ông bà thì dặn CON SẼ CHỈ ĐƯỢC NGỦ CÙNG BÀ, không ngủ cùng ông hoặc thành viên nam khác (như chú, cậu...), dù là người thân thuộc. Và hôm sau đón con, bố mẹ nên hỏi “Tối qua con ngủ như thế nào?”
3. Tầm 3 tuổi trở đi, VIỆC TẮM RỬA CON CÓ THỂ TỰ LÀM ĐƯỢC. Con thường không tự kì được phần lưng phía sau thì bố mẹ có thể mua loại bông kỳ lưng dạng dài rất mềm có bán ở các siêu thị để con tự làm dần.
4. Khi tắm xong, bố mẹ dạy con về “CHỖ KÍN ĐÁO” để thay quần áo, không thay quần áo ở chỗ đông người, lộ thiên (như phòng khách, dù là người nhà đi chăng nữa).
5. KHÔNG AI ĐƯỢC PHÉP CHỤP ẢNH CÁC BỘ PHẬN KÍN của con.
6. Nhắc nhở con gái KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC NGỒI TRONG LÒNG ai đó, kể cả chú/bác của mình, trong bất kỳ tình huống nào, đặc biệt khi con 3-4 tuổi trở lên.
7. Cần có GIỚI HẠN VÀ KIỂM SOÁT CON XEM TIVI, hoặc tốt nhất nên hạn chế. Bởi con có thể xem được những cảnh nhạy cảm trên tivi khi cùng xem với người lớn.
8. KHÔNG ĐI VỆ SINH Ở NƠI CÓ THỂ DỄ DÀNG NHÌN THẤY CÁC BỘ PHẬN KÍN của con. Nhiều bố mẹ thường có thói quen con buồn tè là cho giải quyết ngay vỉa hè... Cách đó khiến con không ý thức được rằng việc đi tiểu tiện đúng nơi cũng là trân quý và giúp bảo vệ bản thân.
9. Mua nhiều sách truyện cổ tích cho con thì cũng nên MUA NHIỀU SÁCH, TRUYỆN, TÀI LIỆU THAM KHẢO VỀ CƠ THỂ NGƯỜI, GIÁO DỤC GIỚI TÍNH VÀ CÁCH BẢO VỆ BẢN THÂN. Không chỉ bố mẹ đọc mà còn định hướng, hướng dẫn cho con.
10. KHÔNG ĐỂ BẤT KỲ NGƯỜI LỚN NÀO GỌI CON LÀ VỢ HOẶC CHỒNG. Trẻ con thường thích chơi trò giả đóng vai, nhưng với cách gọi như này giữa người lớn - trẻ con thì không được và đôi khi lại tiềm ẩn những rủi ro.
11. Khi con tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời, hoặc tập thể thao, dạy con tránh MẶC TRANG PHỤC HỞ HANG HOẶC DỄ LÀM LỘ CƠ THỂ.
12. TRÒ CHUYỆN VỚI CON MỖI NGÀY sau khi đi học về. Nếu con có sự khác biệt (ít nói hơn, rụt rè...) hãy cố gắng thấu hiểu để tìm ra nguyên nhân.
13. Khi thay đồ bố mẹ cũng cần có nguyên tắc KHÔNG THAY ĐỒ TRƯỚC MẶT CON
14. DẠY CON NÓI KHÔNG. Đặt ra các tình huống và chơi trò chơi giả định, xem con sẽ phản ứng/trả lời như nào. Ví dụ: Đặt tình huống hôm nay con đi công viên, các bạn đang xếp hàng vào xem thì bạn nam phía sau giựt váy, con sẽ làm như thế nào?. Hôm nay cả nhà đi siêu thị, có một chú đứng gần con và đặt tay lên vai con, con sẽ làm gì nhỉ?....
15. Không CHÊ các nhược điểm cơ thể con, dù chỉ là câu nói đùa.
16. Hiểu và KIỂM SOÁT NỘI DUNG CÁC CUỐN TRUYỆN định mua cho con. Bố mẹ có thể đọc qua để chắc chắn rằng không có từ ngữ hoặc hình ảnh nhạy cảm.
17. Rủ CẢ GIA ĐÌNH VÀO CUỘC TRONG VIỆC NUÔI DẠY VÀ GIÁO DỤC CON. Cùng nhau chia sẻ các kiến thức, bài báo, cuốn sách về giáo dục, nuôi dạy con, không chỉ giữa vợ chồng mà với cả ông bà.
18. Nếu con đã nói KHÔNG mà ai đó vẫn có hành động “phạm quy” thì dạy con hét thật to, chạy ra chỗ khác, hoặc cắn. Hoặc nếu là bạn bè cùng lứa mà con nhắc bạn không nghe và còn tiếp tục thì hãy đẩy bạn ra.
19. Dạy con KHÔNG HAM QUÀ, ĐÒI ĐỒ CHƠI, MÊ KẸO BÁNH, KHÔNG NHẬN BẤT CỨ THỨ GÌ NGƯỜI LẠ ĐƯA CHO (khi không có bố mẹ hoặc người thân ở đó).
20. Dạy con GỌI ĐÚNG TÊN CẢM XÚC như sợ, buồn, lo lắng... Điều này khá quan trọng vì khi trẻ biết diễn tả cảm xúc bằng tên gọi cụ thể sẽ giúp bố mẹ “phát hiện” ra nhiều điều sau đó.
21. GỌI ĐÚNG TÊN BỘ PHẬN CƠ THỂ vì nếu lỡ có sự vụ xảy ra, khi trình báo và lấy lời khai, việc nói không chính xác tên bộ phận cơ thể sẽ giúp “hung thủ” trốn tránh.
22. NHẬN DIỆN CÁC DẤU HIỆU KHÔNG AN TOÀN TỪ SỚM. Cơ thể con sẽ phát ra các tín hiệu để con biết khi nào đang trong tình trạng hoặc cảm xúc “không an toàn” để tránh xa hoặc lại gần người quen như: con thấy run, con thấy vã mồ hôi, tim đập nhanh....
23. Đưa ra list các “ĐỤNG CHẠM TỐT - ĐỤNG CHẠM XẤU” và trao đổi với con thường xuyên. Ví dụ: Những cái hôn âu yếm của bố mẹ là TỐT. Nhưng nếu HÔN từ 1 người lạ là XẤU...Và cùng con trao đổi xem đụng chạm nào là xấu, đụng chạm nào là tốt bằng các câu hỏi “Theo con, có người sờ vào... thì là tốt hay xấu nhỉ?....
24. KHÔNG POST ẢNH “HỞ” CỦA CON lên mạng xã hội, đặc biệt khi con đã trên 2 tuổi. Giữ an toàn trên facebook cũng là tăng sự an toàn ngoài đời thực.
25. Chú ý CHỌN ĐỒ LÓT cho con. Tùy văn hóa mỗi nơi mà các bé gái nên mặc đồ lót từ 2 hay 3 tuổi trở lên nhưng khi mua đồ lót, chú ý chọn đồ cho phù hợp với vóc dáng của con. Với các bé gái từ 2-4 tuổi mà dáng người mảnh mai thì bố mẹ nên chọn dạng quần đùi cotton ngang sẽ vừa kín đáo, vừa đảm bảo thoáng mát.
26. Chú ý DẤU HIỆU SINH LÝ CỦA CON. Ngoài các dấu hiệu bất thường về mặt cảm xúc, bố mẹ nên để ý các hành động “lạ”, bất thường như: con hay đặt tay vào chỗ kín, con chơi các trò “người lớn” với búp bê, gấu bông...
27. KHUYẾN KHÍCH CON CHIA SẺ BÍ MẬT VỚI BỐ MẸ. Để làm được điều đó, bố mẹ phải là người thường xuyên tương tác, trò chuyện, kiên nhẫn và thấu hiểu con.
28. KHÔNG POST ẢNH HỎI HAN VỀ CHỖ KÍN của con lên mạng xã hội. Nếu có vấn đề gì về cơ thể, liên quan sức khỏe: 1. Đi bác sĩ; 2. Google tra cứu thông tin trên trang uy tín; 3. Mua sách tham khảo, 4. Post hỏi dưới dạng text, 5. Hỏi ý kiến những người thân quen có kinh nghiệm.
29. LẶP LẠI VIỆC GIÁO DỤC VÀ NHẮC CON. Sẽ có lúc con lỡ quên nên thi thoảng bố mẹ nói chuyện lại với con, nhắc lại con những điều lưu ý trên để “thuộc bài” thật kỹ thật sâu.
30. BỐ MẸ CẬP NHẬP THÔNG TIN THEO TỪNG MỐC PHÁT TRIỂN CỦA CON để có định hướng phù hợp. Ví dụ khi con bước vào tuổi teen thì phải dạy con các vấn đề lớn hơn như truy cập internet an toàn, chuyện về bao cao su...