Tích cực triển khai, đưa chính sách đi vào cuộc sống
Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, thực hiện Nghị định số 105, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chỉ đạo các sở, ngành làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục mầm non (GDMN); ban hành các Quyết định, Kế hoạch thực Đề án phát triển GDMN của địa phương. Trong đó, nhiều tỉnh, thành phố đã có những chính sách đầu tư xây dựng mới, bổ sung các hạng mục công trình theo hướng đạt chuẩn về cơ sở vật chất đối với GDMN; điều chỉnh hợp lý quy mô hệ thống trường, lớp mầm non, dự kiến nguồn lực và khả năng huy động nguồn lực theo giai đoạn bảo đảm tập trung và hiệu quả trong đầu tư phát triển.
Các địa phương đã tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch, mở rộng diện tích đất cho giáo dục, thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các Chương trình, dự án và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện chương trình GDMN, phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Tại một số địa phương, tổng quỹ đất được quy hoạch cho toàn ngành giáo dục đã tăng đáng kể so với giai đoạn trước. Nhiều địa phương thực hiện có hiệu quả việc sáp nhập trường, dồn điểm trường, đầu tư cơ sở vật chất, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của địa phương.
Một số tỉnh, thành phố đã xây dựng các dự án chất lượng cao thuộc lĩnh vực giáo dục được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn; áp dụng chính sách khuyến khích xã hội hoá giáo dục để thúc đẩy phát triển GDMN ngoài công lập như: hỗ trợ 100% chi phí giải phóng mặt trong ranh giới thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt; hỗ trợ tín dụng, cho thuê đất đã giải phóng mặt bằng để xây dựng trường mầm non; miễn thuế thuê đất trong suốt thời gian thực hiện dự án; tạo môi trường thông thoáng để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở GDMN, như Bắc Giang, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương…
Công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở GDMN ở khu công nghiệp, khu chế xuất đáp ứng nhu cầu của công nhân, người lao động được quan tâm, một số địa phương đã đầu tư xây dựng các trường mầm non công lập trên địa bàn khu công nghiệp; một số doanh nghiệp đã xây dựng trường mầm non hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận, gắn với khu nhà ở tại các khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ con công nhân lao động.
Tính đến hết năm học 2021-2022, toàn quốc có 15.401 trường mầm non (bao gồm nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non), 15.385 cơ sở GDMN độc lập (bao gồm nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập). Tổng số cơ sở GDMN trên toàn quốc là 30.786 (bao gồm 2 loại quy mô trường và cơ sở GDMN độc lập). Cơ sở vật chất tại các cơ sở GDMN ở các địa phương được cải thiện đáng kể, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dạy và học hằng năm tiếp tục được tăng cường đầu tư theo hướng kiên cố, hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ đến trường đặc biệt là trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn ngày một tốt hơn so với những năm trước đây.
Đến tháng 9-2022 có 34 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết HĐND cấp tỉnh quy định danh mục dịch vụ, định mức kinh tế - kỹ thuật, quy định khung giá và mức giá dịch vụ GDMN không sử dụng ngân sách nhà nước áp dụng tại cơ sở GDMN công lập theo quy định tại Nghị định số 105 và Nghị định số 24, trong đó có Đà Nẵng. Đồng thời, căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định số 105, hiện có 31 tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các đơn vị cấp huyện thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, sửa chữa cơ sở vật chất đối với cơ sở GDMN độc lập dân lập, tư thục có trẻ là con công nhân.
Theo đó, có 858 cơ sở GDMN độc lập đủ điều kiện nhận hỗ trợ, với tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ là 20,698 tỉ đồng. Hiện nay đã thực hiện 2,285 tỉ đồng (tỉ lệ 11% tổng số kinh phí dự kiến hỗ trợ); số kinh phí còn lại sẽ được giải ngân trong thời gian tới. Chính sách này đã tạo điều kiện để các cơ sở GDMN độc lập có kinh phí cải tạo phòng học, nhà vệ sinh, công trình nước sạch, bổ sung trang thiết bị dạy học... Cơ sở vật chất tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục có con em công nhân được cải thiện đáng kể.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng
Tại Đà Nẵng, sau khi Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 38/2021/NQ-HĐND ngày 12-8-2021 “Quy định chính sách đối với trẻ em mầm non, giáo viên mầm non tại các cơ sơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục liên quan đến khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.
Theo đó, trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động được hỗ trợ 200.000 đồng/trẻ/tháng (tăng 40.000 đồng so với quy định của Nghị định 105 là 160.000 đồng/trẻ/tháng).
Đối với giáo viên đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc thành phố Đà Nẵng đảm bảo những điều kiện theo quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP thì được hỗ trợ mức 800.000 đồng/người/tháng (bằng mức quy định của Nghị định 105)
HĐND thành phố cũng ban hành Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND ngày 14-7-2022 “Phê duyệt kế hoạch, phương án hỗ trợ, phương án kiểm tra việc hỗ trợ và sử dụng kinh phí cho các cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp của thành phố Đà Nẵng”, quy định mức hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho cơ sở mầm non độc lập một lần 20.000.000 đồng/cơ sở, thực hiện từ năm học 2022 - 2023 (bằng mức quy định của Nghị định 105).
Từ tháng 3-2022, sau khi các trường, cơ sở mầm non trở lại hoạt động ổn định sau dịch COVID-19, các quận, huyện trên địa bàn thành phố triển khai chính sách hỗ trợ đến giáo viên mầm non, trẻ mầm non thuộc đối tượng thụ hưởng. Nguồn kinh phí đã được UBND thành phố bố trí về các quận, huyện và đang tiến hành chi trả cho các đối tượng thụ hưởng trong năm học 2021-2022. Đến thời điểm hiện tại, đã có 6.895 cháu được đề xuất đề nghị hỗ trợ, với tổng kinh phí dự kiến trên 1,8 tỷ đồng; đã có 394 giáo viên được đề xuất đề nghị hỗ trợ, tổng kinh phí dự kiến trên 555 triệu đồng; dự kiến có 46 cơ sở GDMN đủ điều kiện được hỗ trợ trong năm học 2022-2023, tổng kinh phí 920 triệu đồng.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh nhấn mạnh, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP là một văn bản quan trọng để phát triển giáo dục mầm non. Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo sát sao, các địa phương tích cực tham mưu và triển khai thực hiện nhằm sớm đưa Nghị định đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, sau 2 năm việc thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Nghị định 105 vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Quá trình tham mưu, ban hành văn bản quy định mức hỗ trợ cụ thể theo thẩm quyền ở một số địa phương còn chậm. Đến nay, vẫn còn một số địa phương chưa ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định việc thực hiện chính sách địa phương; hơn 20 địa phương chưa ban hành Nghị quyết HĐND quy định mức hỗ trợ cụ thể đối với trẻ em và giáo viên mầm non tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở địa bàn có khu công nghiệp.
Đầu tư cho giáo dục mầm non tại một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách hạn hẹp của nhà nước và mới chỉ tập trung cho các cơ sơ giáo dục mầm non công lập. Cùng với đó, công tác quy hoạch và phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non tại nhiều địa phương chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đưa trẻ đến trường của nhân dân. Các khu công nghiệp, khu đô thị đông dân cư vẫn còn tình trạng thiếu trường, lớp. Thu nhập của giáo viên mầm non, nhất là giáo viên mầm non ngoài biên chế, nhân viên nuôi dưỡng hiện nay còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội, chưa tương xứng với cường độ lao động và tính chất công việc; mức hỗ trợ chính sách đối với trẻ em và giáo viên mầm non còn thấp.
Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại và tiếp tục triển khai Nghị định 105 hiệu quả hơn nữa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, thời gian đến, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục mầm non để tham mưu và quy định theo thẩm quyền bổ sung những vấn đề mới, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non; đồng thời, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3 - 4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2023-2030” và Đề án “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030”.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh phát biểu chỉ đạo hội nghị
“Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non; tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; ban hành và tham mưu ban hành các văn bản tháo gỡ khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện chính sách. Đặc biệt, tăng cường bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ nhà giáo, nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, tình yêu thương đối với trẻ thông qua các chương trình, đề án và xây dựng nguồn tài liệu trực tuyến để các địa phương khai thác, sử dụng”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho hay.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục các địa phương cần tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu thực hiện đúng, đủ các quy định tại Nghị định số 105; đặc biệt tham mưu UBND cấp tỉnh trình HĐND ban hành danh mục dịch vụ công không sử dụng ngân sách nhà nước, định mức kinh tế - kỹ thuật, quy định khung giá và mức giá dịch vụ trong cơ sở Giáo dục mầm non công lập. Phối hợp với các sở, ngành liên quan chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và giáo viên mầm non và các chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non ở khu vực có khu công nghiệp theo quy định.
“Đề nghị lãnh đạo các địa phương quan tâm, thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chủ trương, chính sách, các quy định về quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội. Bảo đảm việc phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành. Tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý đối với các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ.
Đồng thời, lưu ý các địa phương cần quan tâm quy hoạch quỹ đất xây dựng cơ sở giáo dục mầm non trong kế hoạch sử dụng đất của địa phương; có chính sách phù hợp đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; tăng cường quản lý và có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm môi trường chăm sóc, giáo dục trẻ lành mạnh, thân thiện và an toàn.